Trang chủ / Dịch vụ tư vấn / Doanh nghiệp trong giai đoạn nước rút

Doanh nghiệp trong giai đoạn nước rút

In bài viết Chia sẻ:
Chuyên mục: Dịch vụ tư vấn

Chỉ 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020 với quá nhiều biến động, ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Để hoàn thành kế hoạch năm, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn TP Uông Bí vẫn đang phải gồng mình thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh, chăm lo cho người lao động.

Tại Công ty Than Uông Bí, trong đợt bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19, nhiều lao động phải nghỉ việc để thực hiện cách ly, có thời điểm lên đến 150 lao động/ngày và làm phát sinh chi phí. Mưa nhiều trong quý III khiến một số lò chợ bị ảnh hưởng trực tiếp làm giảm sản lượng. Tiêu thụ than khó khăn, tồn kho tăng cao, doanh thu thấp, giá bán bình quân đạt thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh, cân đối quỹ lương trích và chi theo đơn giá khoán. Cũng bởi vậy, sản lượng khai thác quý III, lũy kế 9 tháng năm 2020 đạt thấp hơn mức bình quân kế hoạch năm.

Thợ mỏ than Uông Bí vừa tăng tốc nhằm đạt sản lượng theo kế hoạch năm vừa đảm bảo ATVSLĐ.

Trước tình hình đó, Công ty Than Uông Bí đã phải nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhất là trong giai đoạn “nước rút” đảm bảo kế hoạch năm với than nguyên khai 2,67 triệu tấn; than sạch 2,275 triệu tấn. Công ty đã xây dựng kế hoạch quý IV và từng tháng sát với điều kiện thực tế, phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được TKV giao. Theo đó, giảm tối đa việc chuyển diện sản xuất, phát sinh chi phí do di chuyển, lắp đặt và mua mới thiết bị; đảm bảo tỷ lệ tài nguyên chuẩn bị và tài nguyên sẵn sàng năm 2021. Tập trung tháo gỡ cho các phân xưởng đang gặp khó khăn; đưa các điều kiện sản xuất về trạng thái đảm bảo kỹ thuật cơ bản và điều kiện an toàn trước khi giao khoán cho phân xưởng để tập trung sản xuất ra than.

Bên cạnh đó, Công ty Than Uông Bí cũng thực hiện các biện pháp đảm bảo quyền lợi, chế độ cho người lao động; tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút, giữ chân thợ lò; triển khai, tổ chức mô hình ăn tự chọn trong toàn công ty. Đặc biệt, phấn đấu đảm bảo tiền lương bình quân 15,895 triệu đồng/người/tháng, cao hơn kế hoạch đề ra (15,563 triệu đồng/người/tháng).

Công ty Nhiệt điện Uông Bí thực hiện nhiều giải pháp sản xuất kinh doanh trong giai đoạn nước rút.

Đối với Công ty Nhiệt điện Uông Bí, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và tình hình thời tiết, nên lượng điện tiêu thụ giảm. Tổng Công ty ưu tiên các nhà máy thủy điện phát công suất cao, các nhà máy nhiệt điện chủ yếu dự phòng và yêu cầu đảm bảo hiệu quả lợi nhuận. Bởi thế, kế hoạch sản lượng điện năm 2020 Tổng Công ty giao cho Nhiệt điện Uông Bí là 4,182 tỷ kWh, tính đến ngày 23/11 mới đạt 3,384 tỷ kWh, đạt 80,92% kế hoạch.

Ông Lê Văn Hanh, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí, cho biết: Dự đoán kế hoạch năm 2020 chỉ đạt 3,850 tỷ kWh, song công ty vẫn đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Trong tháng 12 sẽ thực hiện phương thức duy trì vận hành 2 tổ máy ổn định theo thị trường điện, khắc phục các khiếm khuyết phát sinh đảm bảo vận hành ổn định, kinh tế; làm việc với TKV để cung ứng than đảm bảo số lượng và chất lượng. Chú trọng công tác đào tạo các chức danh vận hành để phục vụ chế độ 3 ca 5 kíp. Tiếp tục thực hiện tối ưu hóa chi phí và đề án nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động theo kế hoạch được giao. Giảm chi phí than, dầu, điều chỉnh thông số vận hành nâng cao hiệu suất thiết bị và hiệu suất các tổ máy…

Với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, đây là một năm vô cùng khó khăn. Ông Lê Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Uông Bí, chia sẻ: Để cán đích kế hoạch năm 2020, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều phương án như: Tăng cường khuyến mãi, giảm giá lợi nhuận để kích cầu tiêu dùng, tăng doanh thu; cắt giảm tối đa các chi phí; giữ chân người lao động… Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố cũng thường xuyên gặp mặt, động viên, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp trên địa bàn TP Uông Bí nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2020 thì còn cần nhiều hơn nữa sự giúp sức từ Chính phủ. Đặc biệt cần ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh đáp ứng đầy đủ hàng hóa cho đợt cao điểm cuối năm và Tết Tân Sửu 2021.

Tác Giả: Thanh Hằng

Nguồn Tin: Báo Quảng Ninh