Trang chủ / Dịch vụ tư vấn / Công nghiệp Quảng Ninh: Sự trở lại của những “gam màu sáng”

Công nghiệp Quảng Ninh: Sự trở lại của những “gam màu sáng”

In bài viết Chia sẻ:
Chuyên mục: Dịch vụ tư vấn

Đối mặt với nhiều thách thức, trong những tháng đầu năm 2012, sản xuất kinh doanh trên địa bàn gặp nhiều khó khăn với lượng hàng tồn kho cao, giá một số nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, lãi suất ngân hàng mặc dù có giảm nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế… Những yếu tố này đã tác động đến giá thành sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa và kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp; từ đó, nảy sinh ra nhiều bất lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, người lao động ít việc làm.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công thương thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ. Trong đó, tập trung khắc phục những khó khăn, thách thức, nắm rõ tình hình, vướng mắc của doanh nghiệp, để kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ; kịp thời động viên khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, lựa chọn ngành hàng, sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường để ổn định sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn.

Cùng với đó, ngành Công thương cũng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường.

Qua 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp đã đạt trên 21,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp địa phương tăng 11,5% (đạt 4.431 tỷ đồng) và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,7% cùng kỳ (đạt 3.612 tỷ đồng). Khu vực dịch vụ phát triển khá trong 9 tháng đầu năm với tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 25%.

Hoạt động xuất nhập khẩu cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thương mại thu ngoại tệ trên địa bàn 9 tháng đạt trên 1,3 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là: Hải sản tăng 11,9%; Dăm gỗ tăng 104,1%; Clinker tăng 116,7%; Tùng hương, Dầu thông tăng 5%; Sợi hóa học tăng 47,8%;… Giá trị kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt trên 2,2 tỷ triệu USD, tăng 8% so với kế hoạch năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu phần lớn là thiết bị máy móc nâng cao công nghệ cho sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Song, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng đó, công nghiệp Quảng Ninh vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và trở ngại. Sản xuất than là ngành công nghiệp trọng yếu của cả nước và của tỉnh, có tỷ trọng lớn nhất trong giá trị sản xuất công nghiệp đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Sản lượng sản xuất 9 tháng than sạch đạt 29,73 triệu tấn, bằng 94,2% cùng kỳ. Hiện nay việc duy trì ổn định việc làm và ổn định thu nhập cho lao động chính trong những tháng cuối năm là hết sức khó khăn, do thị trường tiêu thụ vẫn chưa phục hồi, tồn kho tăng cao dẫn đến phải giảm bớt than sản xuất. Sự sụt giảm của ngành sản xuất chính này đã gây nhiều tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất công nghiệp khác như điện, xi măng, gạch đang trong giai đoạn sản xuất cầm chừng.

Nhằm từng bước phục hồi đà tăng trưởng công nghiệp trong những tháng cuối năm 2012, tại Phiên họp thường kỳ tháng 9, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương và các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng thực hiện các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; thường xuyên rà soát, nắm tình hình khó khăn của các doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ, cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tiêu thụ nhiều sản phẩm, các doanh nghiệp có sản phẩm tồn kho lớn. Ngành ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đẩy mạnh giải ngân các khoản vay với lãi suất ưu đãi, ưu tiên cho vay đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: than, điện, đóng tàu, vật liệu xây dựn. Bên cạnh đó, tập trung phát triển mặt hàng xuất khẩu mới thay thế mặt hàng than như gia công xuất khẩu tàu biển, xi măng, gạch ốp lát, gốm sứ, dầu thực vật, hải sản, nông, lâm sản… nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đã đề ra.

Riêng đối với khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ than, ngoài các cuộc họp tháo gỡ khó khăn giữa UBND tỉnh và các đơn vị ngành than trong 3 quý vừa qua, ngày 19-10, Thường trực Tỉnh ủy đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh than của Tập đoàn. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: quan điểm của tỉnh là sự phát triển ngành than gắn liền với sự phát triển của tỉnh; vì vậy, đồng chí đề nghị Tập đoàn cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với tỉnh trong mọi vấn đề kể cả trước mắt và lâu dài. Đồng chí giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với Tập đoàn tiếp tục giải quyết các khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo đề nghị của Tập đoàn, tạo điều kiện cho Tập đoàn ổn định sản xuất và phát triển. Các kiến nghị của Tập đoàn với Nhà nước, tỉnh sẽ báo cáo với các bộ, ngành Trung ương để cùng Tập đoàn tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất trong thời gian sớm nhất.

Đồng hành cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành, chức năng, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh cũng đang quyết tâm, phát huy nội lực để vượt qua thách thức, chủ động ổn định sản xuất, kinh doanh trong quý IV năm 2012 và những năm tiếp theo, chung sức thực hiện mục tiêu phát triển Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015./.

Tác Giả: Hỗ trợ KT

Nguồn Tin: TTXTVPTCT