Sáng 22/6, tại Hà Nội, Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm “Chiến lược và Hợp tác thúc đẩy Chuyển đổi Năng lượng cho Việt Nam”.
10:27 |
Hướng tới nền năng lượng xanh, sạch
Trình bày tham luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và chuyển dịch Năng lượng của Việt Nam, ông Sean Lawlor – chuyên gia Năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, mục đích của chúng tôi nhằm thúc đẩy những phát triển kinh tế thông qua cải cách, với sự hợp tác với Hoa Kỳ và khu vực Thái Bình Dương, một số quốc gia bao gồm cả Việt Nam cùng tham gia vào trụ cột này. Theo ông Sean Lawlor, cần có một nền kinh tế mang tính chất mới, tăng cường sự chống chịu, tăng cường nền kinh tế sạch để đạt mục tiêu tại COP26.
Ông Sean Lawlor nhìn nhận, nền kinh tế bình đẳng tại các quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương đều hướng tới trụ cột nền kinh tế năng lượng xanh, sạch. Phía Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đáp ứng được cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 và có kế hoạch tài chính cho thực hiện cam kết trong tương lai.
“Chúng tôi ghi nhận những chỉ tiêu đầy tham vọng về điện gió ngoài khơi 7GW của Việt Nam. Đây là tín hiệu rõ ràng và là cơ hội để Việt Nam đạt được mục tiêu đã đề ra. Đối với điện gió trên bờ, Việt Nam cần phải tái cân nhắc để quyết định” – ông Sean Lawlor lưu ý.
Ông Sean Lawlor thông tin thêm, sau năm 2030, phía Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam để ứng dụng năng lượng hạt nhân trong tương lai. “Chúng tôi đã sẵn nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam. Đối với việc sử dụng nguồn năng lượng từ hydro, trong tương lai Việt Nam cần nghiên cứu kỹ hơn để khai thác tối ưu”- Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nói.
Vị chuyên gia năng lượng đến từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đề cập đến những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt như cơ sở hạ tầng truyền tải. Ông cho hay, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ nâng cấp hệ thống truyền tải để giảm tắc nghẽn, và nâng cấp hệ thống truyền tải 500 kV Bắc Nam. Đồng thời, Việt Nam cần nâng cao vai trò của khối tư nhân trong phát triển điện lực.
Ông Sean Lawlor nhấn mạnh, chúng tôi có bước tiếp cận đa phương để tham gia chặt chẽ với Việt Nam và hoàn toàn hỗ trợ với các mối quan hệ hợp tác với Úc, Nhật thông qua hợp tác song phương về phát triển năng lượng sạch để hỗ trợ cho chuyển đổi năng lượng.
09:19 |
Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Năng lượng và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đánh giá cao Báo Công Thương đã phối hợp với GE trong việc tổ chức Toạ đàm này nhằm góp phần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Vì thế nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao.
Thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6 %/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52 % ở kịch bản cơ sở và 9,36 % ở kịch bản cao.
Tính đến hết năm 2021, công suất hệ thống điện của Việt Nam đã đạt khoảng 76.620 MW; Trong đó, thuỷ điện đạt 22.111 MW, nhiệt điện than là 25.397MW, nhiệt điện khí là 7.398MW, công suất điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 21.100 MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đủ đáp ứng cho nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
“Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch” – ông Hoàng Tiến Dũng nói.
Trong thời gian gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam đồng thời phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.
Lãnh đạo Cục Năng lượng và Năng lượng tái tạo thông tin thêm, hiện Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với các định hướng chiến lược theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 2157/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Phó Trưởng ban. Các thành viên gồm nhiều Bộ/ban ngành. Đồng thời giao 8 nhóm nhiệm vụ để triển khai sâu rộng, quyết liệt.
Với vai trò là cơ quan quản lý ngành năng lượng, trong những năm qua, một mặt, Bộ Công Thương đã tham mưu, tư vấn xây dựng cơ chế chính sách về phát triển năng lượng, điện lực trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành; đồng thời có nhiều chỉ đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng đảm bảo năng lượng nói chung và điện năng nói riêng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình kế hoạch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm hiệu quả; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại COP26. Cụ thể, cần khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch sử dụng than sang sử dụng LNG; các nhà máy nhiệt điện than, khí sẽ chuyển dần sang dùng biomass, amoniac hoặc hydrogen khi các công nghệ đã được kiểm chứng và thương mại hóa; đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án điện NLTT cấp điện trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân sinh (ưu tiên sản xuất hydrogen, amoniac xanh, hóa chất,…), các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, điện sinh khối, điện chất thải rắn và năng lượng tái tạo khác; đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả….
Ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Đến nay, chúng ta đã đạt được kết quả nhất định trong việc gia tăng tỷ lệ nguồn điện tái tạo trong cơ cấu công suất hệ thống điện, đồng thời có kế hoạch phát triển các nguồn điện ít phát thải hơn và chuyển đổi nhiên liệu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam sẽ đòi hỏi phương pháp tiếp cận toàn diện với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, cùng nhiều giải pháp đồng bộ. “Tại Toạ đàm này, các vị đại biểu sẽ tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp nhằm giúp Việt Nam thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững, đóng góp thiết thực cho nền kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt được mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra” – ông Dũng nói.
09:16 |
Nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng ngày càng lớn
Trình bày tham luận: Chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Hưng – Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) tập trung vào 4 chủ đề: Hiện trạng phát triển năng lượng; Bối cảnh, quan điểm, mục tiêu phát triển; Các kịch bản chuyển đổi năng lượng; Các trụ cột đối với chuyển đổi năng lượng.
Viện Năng lương thống kê, về cung cấp năng lượng sơ cấp, năm 2020, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 95.762 KTOE. Giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng tổng năng lượng sơ cấp là 8,7%/năm.
Từ năm 2015, Việt Nam trở thành một nước nhập khẩu năng lượng.
Tổng năng lượng sơ cấp trên đầu người của Việt Nam ở năm 2019 là 979 kgOE/người, thấp hơn trung bình ASEAN là 1.053 kgOE/người.
Về bối cảnh phát triển năng lượng trong nước, TS. Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn. Những thách thức về bảo vệ môi trường sinh thái và cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Quá trình đô thị hóa và xây dựng hạ tầng kinh tế – kỹ thuật diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng, tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước; Thị trường năng lượng cạnh tranh mới ở giai đoạn đầu; Trữ lượng và khả năng cung cấp năng lượng trong nước ngày càng hạn chế; Nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng ngày càng lớn.
Đối với phát triển năng lượng quốc tế, triển vọng tăng trưởng tiêu thụ năng lượng toàn cầu có mối liên hệ chặt chẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Xu thế chuyển dịch năng lượng: xu hướng tham gia của các nguồn năng lượng cơ bản sẽ tiếp tục: giảm tỷ lệ dầu và than, tăng tỷ lệ khí và năng lượng phi carbon. Tỷ lệ năng lượng điện sẽ tăng trong tiêu thụ đầu cuối.
Trên thế giới, tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến khá phức tạp, tạo ra những trở ngại trong thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí.
Thị trường năng lượng quốc tế vẫn còn ở trạng thái bất ổn về nguồn cung và có tính biến động cao đối với giá năng lượng do tác động các yếu tố địa chính trị và các xung đột chính trị.
TS. Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong quá trình chuyển dịch năng lượng giúp ngành đã có những bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành.
Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cũng khá đa dạng, phong phú, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Việt Nam cũng nằm trong khu vực có tiềm năng trao đổi giao thương năng lượng thuận lợi trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, điểm yếu của ngành là năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế thiết bị. Thêm nữa, hành lang pháp lý tạo đà cho sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng mới và tái tạo chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ; Tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ; Thị trường năng lượng cạnh tranh mới ở giai đoạn đầu, chưa đồng bộ.
Nêu bật nhưng cơ hội trong phát triển năng lượng, TS. Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, những quyết tâm chuyển đổi ngành năng lượng và mô hình sử dụng năng lượng của nền kinh tế cần đáp ứng các cam kết quốc tế; Thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn; Thu hút mối quan tâm đầu tư vào thị trường năng lượng và khả năng tiếp cận công nghệ, nguồn vốn trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, tham gia vào chuỗi giả trị năng lượng toàn cầu.
Ngoài ra, thách thức cũng thể hiện ở yêu cầu cung cấp đầy đủ năng lượng, đáp ứng phát triển kinh tế xã hội với mức tăng trưởng cao; Thách thức trong thực hiện cam kết tại COP26; Nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp truyền thống đang suy giảm nhanh chóng; Tác động của địa chính trị và xung đột trên thế giới đến nguồn cung và giá năng lượng; Nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng lớn; khả năng huy động vốn khó khăn; Chuyển đổi lao động đối với khu vực cung cấp năng lượng hóa thạch truyền thống trong nước.
TS. Nguyễn Ngọc Hưng cũng đề cập đến cung cấp năng lượng sơ cấp tại Dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng. Theo đó, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp là 154 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) năm 2030, 287 triệu TOE năm 2045, 335 triệu TOE năm 2050.
Xu thế chính trong thời gian tới là sử dụng hiệu quả năng lượng; giảm mạnh sử dụng than và sản phẩm dầu mỏ. Bên cạnh đó, tăng sử dụng khí trong công nghiệp; Tăng mạnh sử dụng nhiên liệu sinh học trong Giao thông vận tải, nhiên liệu sinh khối trong phát điện và công nghiệp; Tăng mạnh năng lượng mạnh gió và mặt trời, có tỷ trọng rất cao trong tổng năng lượng sơ cấp. Ngoài ra có sự tham gia của năng lượng có nguồn gốc hydro từ sau năm 2040.
Phấn đấu tổng phát thải CO2 là 401 triệu tấn năm 2030 và 264 triệu tấn năm 2045, 96 triệu tấn năm 2050.
Về cung cấp năng lượng sơ cấp, tại Báo cáo triển vọng năng lượng 2021, mức cung năng lượng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gần gấp 4 vào năm 2050. Năng lượng gió, mặt trời và thuỷ điện chiếm khoảng 75% nguồn cung năm 2050, than sẽ bị loại bỏ vào năm 2050. Đồng thời, lên kế hoạch điện khí hoá cho tất cả các ngành.
Báo cáo của TS. Nguyễn Ngọc Hưng cũng trình bày về nội dung các trụ cột đối với chuyển dịch năng lượng.
Cụ thể, muốn sử dụng hiệu quả năng lượng phải thay đổi hành vi sử dụng (DSM, DR…); Cải thiện hiệu suất sử dụng (sử dụng hiệu quả năng lượng)
Đồng thời, tăng tỷ trọng phương tiện/thiết bị sử dụng điện (phương tiện giao thông vận tải điện, điện hóa trong công nghiệp, tòa nhà…); Giải pháp lưu trữ năng lượng (thủy điện tích năng, pin tích năng, pin nhiên liệu…)
Ngoài ra, phát triển năng lượng tái tạo bao gồm: Năng lượng mặt trời (điện mặt trời mặt đất, mái nhà, lòng hồ; Nước nóng năng lượng mặt trời); Năng lượng gió (điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi); Nhiên liệu sinh học (Sinh khối rắn, nhiên liệu sinh học lỏng); Năng lượng tái tạo khác. Nhiên liệu hydro và nhiên liệu dựa trên hydro (amoniac, nhiên liệu tổng hợp…). Đặc biệt, thu hồi, sử dụng, lưu trữ cácbon (CCUS) (cơ sở công nghiệp, nhà máy điện, khí hóa than…)
08:49 |
Tham dự hội thảo có ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng Về phía cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ; Ông Sean Lawlor – Chuyên gia Năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ông Đỗ Đức Tưởng – Cố vấn Năng lượng tái tạo, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Về phía Tập đoàn GE có ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc GE Việt Nam; Ông Narendra Asnani, Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ, GE Gas Power châu Á; Ông Deepak Maloo, Giám đốc mảng điện gió, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tại buổi tọa đàm, các tham luận với các vấn đề gồm: Tổng quan về chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam và định hướng; Quan điểm của Hoa Kỳ về chuyển đổi năng lượng và sự hỗ trợ cho Việt Nam; Thách thức và cơ hội của thị trường điện hiện nay với sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo; Vai trò của công nghệ trong hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam…
Bên cạnh đó, các diễn giả sẽ tham gia thảo luận và trao đổi xung quanh chủ đề Chiến lược và Hợp tác để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng Việt Nam với những thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng; Cấu trúc giá điện, nguồn vốn, công nghệ liên quan đến chuyển đổi năng lượng; Khuyến nghị chính sách, công nghệ, nguồn vốn…