Ngày 26/6/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức lần 2 Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan đối với Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hội thảo với sự tham gia của gần 50 đại biểu đến từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và một số NGO tại Việt Nam.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hợp tác kỹ thuật giữa Bộ Công Thương, Liên minh châu Âu và GIZ thông qua Dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (Dự án 4E/EVEF), theo đó GIZ sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 21, nhằm tăng tính thực thi của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng cao tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV) – Bộ Công Thương khẳng định – Việt Nam đang dành sự ưu tiên thích đáng cho việc giải quyết vấn đề năng lượng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc SDNLTK&HQ. Sau gần 10 năm thi hành Luật SDNLTK&HQ, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả luật thì cần có những đánh giá tình thực hiện các nội dung của Nghị định 21 để từ đó đưa ra những khuyến nghị với Chính phủ để sửa đổi, điều chỉnh và bổ sung các điều của Nghị định 21 nhằm hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, góp phần vào mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng và thị trường tiết kiệm năng lượng (TKNL) tại Việt Nam hướng đến phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.
Theo báo cáo của Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) – đơn vị tư vấn thực hiện nội dung đề xuất sửa đổi/bổ sung Nghị định 21, ước tính nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng với tốc độ bình quân 5,9%/năm trong giai đoạn 2014-2030, tương lai các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ phải nhập khẩu LNG từ năm 2023.
Trước tình hình đó, những quy định pháp lý và chính sách hiện hành vẫn còn tồn tại những hạn chế cần giải pháp thức đẩy hoạt động SDNLTK&HQ. Trong đó, việc thi hành các quy định hiện hành về SDNLTK&HQ chưa nghiêm. Thiếu cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Giá điện và giá năng lượng còn thấp, chưa khuyến kích được các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng… Thêm vào đó là Nghi định 21 và một số văn bản pháp luật liên quan còn rất nhiều bất cập, và còn trong quá trình rà soát, sửa đổi cho phù hợp.
Ông Nguyễn Đình Hiệp – Phó Chủ tịch VECEA – cho biết, VECEA đã xây dựng phiếu khảo sát với 9 nhóm đối tượng liên quan, là các bộ, ban, ngành, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm công nghiệp và tòa nhà, tổ chức tư vấn và dịch vụ TKNL, cơ sở thử nghiệm hiệu suất năng lượng, ngân hàng thương mại… Qua khảo sát, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Luật SDNLTK&HQ qua gần 10 năm thực thi đã bộc lộ những hạn chế. Việc sửa đổi Luật sẽ đòi hỏi thời gian trong khi những yêu cầu cấp bách từ thực tế cần được nhanh chóng giải quyết. Do đó, việc sửa đổi Nghị định 21 để phù hợp với thực tế là việc làm rất thiết thực vào thời điểm này.
Theo đó, về quản lý nhà nước theo VECEA thì cần có những quy định chi tiết hơn về trách nhiệm triển khai các hoạt động SDNLTK&HQ tại địa phương. Đồng thời xem xét hạ ngưỡng quy định mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng…
Thông qua kết quả khảo sát, VECEA đã đề xuất cần phải sửa đổi và bổ sung một số vấn đề cho phù hợp với tình hình và xu thế phát triển hiện nay. Cụ thể, tại Điều 3, 4, 5 quy định về chỉ tiêu thống kê và trách nhiệm thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin về SDNLTK&HQ của Nghị định 21 cần sửa đổi theo hướng thống nhất quy định thời gian công bố chỉ tiêu thống kể về sử dụng năng lượng trong cả nước cũng như cần bổ sung hướng dẫn và xây dựng mạng lưới thông kê tại các địa phương và tổ chức hệ thống CSDL sử dụng năng lượng và hệ thống CSDL năng lượng quốc gia của Bộ Công Thương…
Trong khi đó tại Điều 6 và 10 của Nghị định 21 thì VECEA cũng đề xuất cần mở rộng danh sách cơ ở SDNL trọng điểm, áp dụng mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm ≥ 700 TOE đối với lĩnh vực công nghiệp. Còn đối với lĩnh vực xây dựng thì mở rộng đối tượng (tòa nhà) áp dụng và thực hiện theo QCVN 09/BXD theo mức Loại A ≥500 TOE tương ứng. Đối với cơ sở SDNL trọng điểm trong lĩnh vực giao thong vận tải cần nghiên cứu lựa chọn mô hình quản lý phù hợp xem xét áp dụng theo Điều ước quốc tế (IMO) mà Việt Nam đã tham gia…
Tại hội thảo, ông Markus Bissel – Trưởng hợp phần Hiệu quả Năng lượng thuộc Dự án 4E//EVEF – đã chia sẻ ngắn gọn những kết quả đạt được của VNEEP 1 và 2 đã thực hiện thành công. Bằng chứng là Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung pháp lý toàn diện cùng với khoảng 4.000 kiểm toán viên năng lượng và quản lý năng lượng viên được chứng nhận. Các giải pháp kỹ thuật đã giúp ngành công nghiệp tiết kiệm được từ 20-40% tổng mức năng lượng tiêu thụ. Trong khi đó VNEEP 3 xây dựng được các mục tiêu TKNL và được quy định trong Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030… và để đạt được các mục tiêu trong VNEEP 3 thì cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng tính thực thi của Luật SDNLTK&HQ.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng cần có các biện pháp quản lý và chế tài đối với các vi phạm cụ thể hơn, tăng cường phân cấp trong hoạt động quản lý Nhà nước; quy định chi tiết và bổ sung biện pháp công nghệ áp dựng tái cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; đơn giản hoá thủ tục hành chính. Có các chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, chuẩn hoá các mô hình quản lý năng lượng, tạo hành lang pháp lý cho mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO)… Đồng thời, việc điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung Nghị định 21 cần phù hợp với tình hình hiện nay và tiến độ triển khai các nội dung của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau khi nghe tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, Bộ Công Thương tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của đơn vị tư vấn và các đại biểu tham gia hội thảo.
Dự kiến, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 21 sẽ được Vụ TKNL&PTBV đưa vào chương trình nhiệm vụ năm 2021, làm cơ sở cho các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan.