Hạ tầng điện là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên một KCN hoàn thiện đồng bộ. Hiện nay, nhiều KCN trong tỉnh bên cạnh việc tập trung thu hút đầu tư, cũng đang từng bước rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện thêm hệ thống cấp điện, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng ngày một lớn từ các dự án của nhà đầu tư thứ cấp.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 dự án đầu tư phát triển hạ tầng KCN đã được các chủ đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển KCN, chủ đầu tư 8 KCN này đã dành nguồn lực đủ mạnh đầu tư đồng bộ hệ thống cấp điện, nước theo đúng nhu cầu sử dụng đã được phê duyệt tại giấy đăng ký chứng nhận đầu tư.
KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) do Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long làm chủ đầu tư. Ngay sau khi có quyết định thuê đất giai đoạn I (123ha), chủ đầu tư đã thực hiện đầu tư hệ thống cấp điện và đến nay đã hoàn thành đầu tư, đưa vào sử dụng Trạm biến áp Amata 1 công suất 3x57MW. Hiện đang vận hành máy biến áp T1 có công suất 57MW. Đến thời điểm hiện tại, 5 tuyến 22kV từ Trạm biến áp Amata I đã được kết nối, đóng điện tới Nhà máy Jinko Solar 2, đảm bảo cung cấp phục vụ hoạt động của nhà máy.
Trước nhu cầu sử dụng điện năng tiêu thụ tăng cao của 3 nhà máy do Tập đoàn Jinko Solar đầu tư, Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long đang tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm 2 máy biến áp T2, T3 tại Trạm biến áp Amata I. Hiện tại, 2 máy biến áp này đã được đầu tư xong và được Bộ Công Thương đồng ý đóng điện máy biến áp T2 nâng công suất sử dụng điện lên 77MW. Dự kiến trong tháng 9/2022, Công ty sẽ đóng điện máy biến áp T2.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đang có kế hoạch báo cáo Bộ Công Thương cho phép đưa máy biến áp T3 vào vận hành sau khi đường dây truyền tải 110kV từ Trạm 220kV Yên Hưng được kéo về Trạm Amata 1 để nâng công suất Trạm Amata 1 lên 171MW.
Được biết, Công ty CP Đô thị Amata đang có kế hoạch xây dựng mới Trạm biến áp Amata 2 – giai đoạn I công suất 2x63MVA-110/22kV. Dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2023 để sẵn sàng phục vụ công suất tiêu thụ điện năng tăng của Nhà máy Jinko Solar 2 lên đến 98MW cũng như phục vụ nhu cầu sử dụng điện của Nhà máy Jinko Solar 1 (công suất 99MW) và các nhà đầu tư thứ cấp khác.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, cho biết: Hiện tại công suất của Trạm biến áp 220kV Yên Hưng gồm 1 máy biến áp có công suất 250MVA (tương đương 225MW), công suất này chỉ đủ để phục vụ cho Trạm biến áp Amata 1, không đảm bảo công suất cho cả 2 trạm Amata 1, Amata 2. Do vậy, Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long đề nghị Sở Công Thương và các đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh, đề xuất EVN đảm bảo tiến độ đầu tư nâng cấp công suất Trạm biến áp Yên Hưng và đường dây truyền tải dài khoảng 3,5km đến Trạm biến áp Amata 2.
Còn tại KCN Nam, Bắc Tiền Phong, tổng nhu cầu sử dụng điện của 2 KCN này được Bộ Công Thương phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ninh tại Quyết định số 4976/QĐ-BCT ngày 21/12/2016 là 206MVA. Trong đó, Trạm biến áp Tiền Phong 1 có công suất 2x63MVA; Tiền Phong 2 có công suất 2x40MVA, có nguồn cấp từ Trạm biến áp 220kV Nam Hòa.
Tuy nhiên, trên cơ sở quy hoạch phân khu điều chỉnh được duyệt, nhu cầu sử dụng điện năng của 2 KCN này tăng cao (378MVA) khoảng 1,83 lần so với quy hoạch được duyệt, do vậy UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất và được Bộ Công Thương chấp thuận bổ sung công suất, nâng quy mô cấp điện của 2 KCN lên 378MVA và cho phép đấu nối tạm Trạm biến áp Tiền Phong 1 vào đường dây 110kV Chợ Rộc – Đồng Bài để kịp thời cấp điện sử dụng giai đoạn 2021-2025.
Ông Bruno Johan O. Jaspaert, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong, cho biết: Hiện nay 2 KCN có 14 nhà đầu tư đến nghiên cứu, đăng ký đầu tư, với nhu cầu sử dụng điện năng trên 161MVA. Trước nhu cầu này, đơn vị đang lên kế hoạch đầu tư các trạm biến áp theo đúng quy hoạch điện được duyệt. Trước mắt, để đảm bảo nhu cầu sử dụng trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN, đơn vị đã sử dụng nguồn điện từ 2 trạm biến áp công suất 630kVA đấu nối từ các tuyến đường dây 478 E5.21.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh, trước nhu cầu sử dụng năng lượng và tài nguyên nước tăng cao tại địa bàn các KCN, đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các KCN thực hiện rà soát tổng thể nhu cầu sử dụng hiện tại của các dự án và kế hoạch trong thời gian tới. Từ đó, tham mưu, đề xuất tỉnh định hướng phát triển của từng KCN, trong đó lưu ý sẽ hạn chế thu hút những dự án sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, góp phần giảm tải áp lực, chia sẻ nguồn lợi cho một số ngành kinh tế khác.