Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh không ngừng thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, coi đây là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng và phát triển KT-XH của tỉnh.
Dựa vào mức phát thải carbon của các nhà máy, mức độ tiêu thụ điện năng, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, xác định mục tiêu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và phân bổ từng khu vực: Công nghiệp – xây dựng tiết kiệm 2,44%; nông, lâm, ngư nghiệp tiết kiệm 1,86%; thương mại, dịch vụ, du lịch tiết kiệm 1,45 %; dân dụng tiết kiệm 1,42%. Từ đó, bắt buộc các ngành yêu cầu các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán bắt buộc, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, thiết lập các hệ thống quản lý năng lượng mới… nhằm đạt được mục tiêu đặt ra. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế xây dựng các công trình, Sở Xây dựng thường xuyên khuyến cáo các chủ đầu tư lựa chọn các loại vật liệu xây dựng phù hợp, các giải pháp quản lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật trong hệ thống chiếu sáng đô thị… nhằm sử dụng năng lượng có hiệu quả cho công trình. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều công trình sử dụng năng lượng hiệu quả được triển khai, đưa vào sử dụng, như: Thay thế 5.800 bộ đèn chiếu sáng giao thông, trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng với tổng mức đầu tư 114 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách, giúp cho mỗi năm toàn tỉnh tiết kiệm được trên 55 triệu kWh.
Nhiều đơn vị sản xuất lớn cũng sử dụng bóng đèn led tiết kiệm điện, thiết kế nhà xưởng tận dụng ánh sáng tự nhiên. Các công trình xây dựng mới được áp dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng chỉ tiêu kỹ thuật. Tại các khu du lịch, các doanh nghiệp cũng đầu tư gần 400 xe điện phục vụ khách du lịch. Tại các địa phương cũng xây dựng 218 công trình thủy lợi, 1.700 công trình khí sinh học biogas; triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ đèn led trong khai thác hải sản xa bờ với số lượng 500 bóng đèn và mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc trồng hoa, trồng chè.
Để thúc đẩy chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc, nâng cao chất lượng đường, rút ngắn cự ly di chuyển, giảm thiểu tiêu hao năng lượng và bảo vệ môi trường; sử dụng năng lượng tái tạo (mặt trời biogas), hạn chế sử dụng năng lượng điện từ hệ thống lưới điện.
Đối với các nhà máy sử dụng năng lượng trọng điểm (sản xuất sắt, thép, xi măng, thực phẩm…), tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Quảng Ninh hướng dẫn các đơn vị đặt ra kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm theo chỉ tiêu hàng năm, tham gia thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện. Tính đến hết năm 2022, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã ký thỏa thuận với 148 khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải với tổng công suất tiết giảm là 58,533MW; khoảng 80% cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đã áp dụng mô hình quản lý năng lượng.
Thông qua các giải pháp tiết kiệm năng lượng của các cấp, ngành, địa phương, nhất là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đã tăng dần qua các năm. Giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đạt 1,16%/năm, từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đã tăng lên là 2,5-2,9%/năm.
Theo dự báo của một số chuyên gia về biến đổi khí hậu, năm 2023, hiện tượng El Nino tái xuất, khả năng miền Bắc phải đối diện khí hậu nắng nóng và hạn hán. Tình trạng này sẽ khiến cho hệ thống điện miền Bắc có khả năng gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh với công suất thiếu hụt lớn và miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600-4.900MW điện trong các tháng 5 và 6.
Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) cho biết: Để góp phần đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện và an ninh năng lượng nói chung, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc quản lý nhu cầu điện; triển khai các giải pháp tiết kiệm điện trong khối cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước tại địa phương và các hộ gia đình sử dụng điện; tiếp tục lập phương án thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải, đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh phụ tải tự nguyện phi thương mại tại các khách hàng sử dụng điện có sản lượng từ 1 triệu kWh trở lên… Mục tiêu giai đoạn 2020-2025, Quảng Ninh đặt mức tiết kiệm tối thiểu 6,7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh.