Các nhà cung cấp cho rằng, hiện doanh nghiệp vẫn còn gặp thách thức khi tiếp cận công nghệ số trong quá trình sản xuất.
Trong các phiên thảo luận của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0, nhiều nội dung đã được đề cập như làm thế nào để nâng cao năng lực sản xuất thông minh của các doanh nghiệp, đặc biệt phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Việt Nam.
Tập đoàn Ericsson dự báo, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất thông minh toàn cầu, với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030. Nhiều giải pháp đã được bàn luận tại hội thảo chuyên đề.
Theo các nhà cung cấp, hiện doanh nghiệp vẫn còn gặp thách thức khi tiếp cận công nghệ số trong quá trình sản xuất. Ví dụ như bài toán về chi phí đầu tư, hay đào tạo nhân sự để thích ứng với công nghệ số.
“Trong quá trình triển khai giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, nhà máy cũng có rất nhiều khó khăn và thách thức. Liên quan đến bộ máy nhân sự, khi đã chuyển đổi số và áp dụng công nghệ mới, đội ngũ nhân sự phải đảm bảo phải nắm bắt nhanh, hiểu được quá trình chuyển đổi”, ông Nguyễn Đức Quý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp VCONNEX, cho biết.
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chuyên gia cho rằng các nhà cung cấp nên tối ưu hóa tính năng như hỗ trợ doanh nghiệp giữa các khâu vận hành, sản xuất và trải nghiệm với khách hàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên xây dựng hệ sinh thái kết hợp giữa các công ty công nghệ số để có thể cung cấp sản phẩm tại mức giá phù hợp nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Tối ưu hóa tính năng của sản phẩm từ các khâu vận hành, sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của quá trình sản xuất kinh doanh. Như vậy các doanh nghiệp mới thấy được hiệu quả khi đầu tư vào cần thiết để đầu tư”, ông Shashi Jagadiswaran, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Bộ phận Tư vấn Công nghệ, EY Consulting Vietnam JSC, cho hay.
“Chúng ta cần liên kết hệ sinh thái các công nghệ, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với nhau để đưa các sản phẩm ra thị trường một cách phù hợp và rẻ nhất. Đó cũng là lợi thế khi chúng ta phát triển sản phẩm ra các quốc gia khác trong khu vực”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định.
Đồng thời, doanh nghiệp công nghệ số Make in Việt Nam cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hay đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ số để tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ trong quá trình sản xuất, đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa 4.0.
Theo số liệu của Bộ thông tin và Truyền thông, doanh thu công nghiệp công nghệ số là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam khi đạt 148 tỷ USD, với hơn 70.000 doanh nghiệp cùng giá trị xuất khẩu ước đạt 136 tỷ USD vào năm 2022.