Trang chủ / Tin tức / Tạo động lực đầu tư vào cụm công nghiệp

Tạo động lực đầu tư vào cụm công nghiệp

In bài viết Chia sẻ:

Cụm công nghiệp (CCN) đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCN), thúc đẩy công nghiệp, phát triển KT-XH địa phương. Thời gian qua, từ tỉnh đến sở, ngành, địa phương đã tích cực phê duyệt quy hoạch, thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, từ đó, tạo sự khởi sắc trong hoạt động của CCN.

Lãnh đạo Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh rà soát tiến độ triển khai đầu tư CCN Phương Nam, TP Uông Bí.

Sau nhiều năm “chật vật” thu hút doanh nghiệp đầu tư CCN Phương Nam (TP Uông Bí), đầu tháng 3/2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập CCN Phương Nam do Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư, xây dựng và phát triển CCN với 2 CCN đã hoạt động hiệu quả là: CCN Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) và CCN Hà Khánh (TP Hạ Long).

CCN Phương Nam có diện tích gần 63ha với tổng vốn đầu tư trên 545 tỷ đồng. Với vị trí giao thông thuận lợi, đồng bộ, hiện đại, CCN Phương Nam sẽ phục vụ hiệu quả cho hoạt động của các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, góp phần thúc đẩy công nghiệp địa phương, thu hút nguồn lực đầu tư. Hiện TP Uông Bí đang tích cực phối hợp với Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, đảm bảo đưa CCN vào hoạt động trong quý I/2022.

Ông Bùi Xuân Tờ, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh, cho biết: Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, TP Uông Bí đã tích cực vào cuộc phối hợp với doanh nghiệp để triển khai các bước tiếp theo của việc đầu tư xây dựng CCN Phương Nam. Đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, máy móc, nhân lực… đảm bảo triển khai đầu tư hạ tầng CCN theo đúng tiến độ, chất lượng, quy hoạch như đã cam kết ngay sau khi có mặt bằng sạch. Chúng tôi kỳ vọng rằng, CCN này không chỉ tạo động lực phát triển công nghiệp TP Uông Bí, mà còn là hành lang kinh tế khu vực phía Tây của tỉnh.

Giữa tháng 9/2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 3116/QĐ-UBND về việc thành lập CCN Đông Mai (TX Quảng Yên). CCN này có diện tích 16ha với tổng vốn đầu tư gần 210 tỷ đồng, do Công ty CP Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến, trong quý III/2022, chủ đầu tư sẽ hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quý IV/2022 triển khai thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Thời gian hoạt động của CCN Đông Mai là 50 năm kể từ ngày CCN Đông Mai được thành lập. CCN Đông Mai được thành lập để bố trí các cơ sở: Chế biến thực phẩm; sản xuất giày dép; chế biến gỗ; sản xuất khí công nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo khác… Hiện, chủ đầu tư đang triển khai lập quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, phê duyêt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật…

Công nhân Công ty CP Thủy sản BNA (CCN Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) sơ chế tôm phục vụ xuất khẩu.

Không chỉ có những khởi sắc trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, nhiều CCN trên địa bàn tỉnh đã phát huy được hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp địa phương, đáp ứng nhu cầu di dời các cơ sở TTCN. Trong đó, một số CCN đã thu hút được nhiều doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy đạt ở mức cao như: CCN Hà Khánh (TP Hạ Long) đạt 100%, CCN Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) đạt 75%…

Mặc dù có những chuyển biến tích cực song việc thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đề án Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn 2020, toàn tỉnh sẽ có 9 CCN với diện tích 470,8ha. Song đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 7 CCN với diện tích 391,3ha. Nguyên nhân là do một số CCN chưa lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực, tài chính, kinh nghiệm đã khiến việc đầu tư hạ tầng kéo dài, không đáp ứng kịp thời hoạt động sản xuất, không thu hút các doanh nghiệp thứ cấp như: CCN Kim Sen (TX Đông Triều), CCN Nam Sơn (huyện Ba Chẽ)… Các CCN chủ yếu đầu tư xây dựng nhằm thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở TTCN, hợp tác xã… Do đó, đây không phải là môi trường thuận lợi cho các dự án lớn mang tính động lực cho phát triển công nghiệp địa phương. Vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, thủ tục hành chính qua nhiều khâu… cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN, nhất là ở huyện miền núi, biên giới, hải đảo.

Các nhà đầu tư mong muốn, thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm các chính sách ưu đãi để hỗ trợ đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh; cùng với đó là hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông tới các CCN… Như vậy, sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư vào CCN.

 

Tác Giả: Cao Quỳnh

Nguồn Tin: TTXTVPTCT