Đối với mặt hàng thực phẩm nói chung, sản phẩm thủy sản nói riêng, các điều kiện về an toàn thực phẩm là yếu tố tiên quyết quyết định thành-bại của sản phẩm. Sản phẩm được thị trường đón nhận hay không, thương hiệu có được chỗ đứng hay không phụ thuộc phần lớn đến yếu tố này.
Công ty thực phẩm Cộng là một trong những cơ sở chế biển thủy sản trên địa bàn phường Mông Dương, TP Cẩm Phả. Công ty hiện có 2 cơ sở chế biến với tổng sản lượng xuất ra thị trường đạt khoảng 1 tấn/ngày. Được biết, đơn vị đang lên kế hoạch xuất khẩu hầu sang thị trường Đài Loan với sản lượng dự kiến đạt 4-5 tấn/ngày.
Để làm được điều này, Công ty chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ. Trong đó, có 12 dãy nhà, diện tích trên 800m2 gồm nhiều khu riêng biệt: Văn phòng, khu sơ chế, khu đóng gói, kho chứa nguyên liệu… Riêng khu sơ chế được xây bằng kính, ốp tường, làm nền và lắp điều hòa để ngăn chặn côn trùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bà Đinh Thị Vân, Giám đốc Công ty thực phẩm Cộng chia sẻ: “Thị trường tiêu dùng nội địa hay xuất ra nước ngoài thì chất lượng cũng phải đặt lên hàng đầu. Chúng tôi luôn quan tâm đến các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, chúng tôi đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng”.
Ý thức được tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh thực phẩm là rất tốt. Song, thực tế không phải cơ sở chế biến thủy sản nào cũng ý thức được và thực hiện tốt điều này. Cụ thể: Cuộc khảo sát của Sở NN&PTNT tại huyện Vân Đồn vừa qua cho thấy các vùng nuôi, cơ sở chế biến hàu Thái Bình Dương ở địa phương này còn bôc lộ nhiều hạn chế. Hầu hết các cơ sở còn nằm trong khu dân cư ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị, đời sống người dân xung quanh. Kết cấu nhà xưởng chưa phù hợp gây khó cho công tác vệ sinh. Trang thiết bị sản xuất còn thô sơ, không đảm bảo vệ sinh gây ô nhiễm chéo.
Đi đôi với đó, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm lại bị xem nhẹ khi nhà xưởng, trang thiết bị chưa được vệ sinh sạch sẽ trước, sau khi sử dụng. Nguyên liệu và các yếu tố đầu vao sản xuất chưa được vệ sinh rửa sạch trước khi đưa vào chế biến. Người trực tiếp sản xuất chưa có kiến thức cũng như chưa thực hiện đúng quy định về vệ sinh công nhân. Đặc biệt, các đơn vị cũng chưa ghi chép hồ sơ sổ sách về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, vật tư đầu vào trong quá trình sơ chế, chế biến để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chưa có biện pháp phòng, chống động vật gây hại và xử lý chất thải, nước thải trước khi xả ra môi trường…
Ngay khi nắm tình hình về vấn đề này, UBND huyện Vân Đồn triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh: Rà soát, lập sanh sách các cơ sở chế biến hầu, hà trên địa bàn để kiểm tra toàn bộ các cơ sở trong hoạt động chế biến, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Huyện yêu cầu các cơ sở ký cam kết và nghiêm cấm các hành vi đổ trộm chất thải vỏ hàu, hà không đúng nơi quy định. Chất thải phải được thu gom hàng ngày, tập kết đúng nơi quy định để thu gom, vận chuyển đưa về bãi rác chung của huyện. Nước thải từ hoạt động chế biến phải được xử lý trước khi thải ra hệ thống chung của khu vực.
Cùng với sự chủ động của Vân Đồn, Sở NN&PNNT cũng yêu cầu địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho chủ cơ sở, người lao động, công nhận của các cơ sở chế biến về kiến thức, thực hành đúng quy định an toàn thực phẩm; hướng dẫn cải tạo, sửa chữa nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu theo quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm đảm bảo nguyên tắc một chiều tránh lây nhiễm chéo trong sơ chế, chế biến. Mặt khác, tổ chức cấp giấy chứng nhận đủ điều kiên an toàn thực phẩm cho các cơ sở thuộc diện được cấp; ký cam kết thực hiện và tăng cường kiểm tra, thẩm định và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
“Về lâu dài, cần tổ chức lại sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Thực hiện quy hoạch đồng bộ về cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến, kinh doanh thủy sản trên địa bàn nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa” – Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&TNT cho biết.