Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng ngành thép vẫn được xem là ngành sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng, vì vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng tài liệu hướng dẫn sản xuất sạch hơn (SXSH) mới nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) có những giải pháp kịp thời trong việc tiết kiệm tài nguyên, nhiên, vật liệu trong quá trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
SXSH được biết đến như một tiếp cận giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn thông qua việc sử dụng nguyên, nhiên liệu có hiệu quả. Việc áp dụng SXSH không chỉ giúp các DN cắt giảm chi phí sản xuất, mà còn giúp cải thiện môi trường, qua đó giảm bớt chi phí xử lý môi trường.
Ông Cao Duy Bảo – Phó giám đốc Trung tâm Môi trường và Sản xuất sạch hơn (Bộ Công Thương) – cho biết, năm 2008, thông qua dự án SXSH trong công nghiệp (CPI) do Đan Mạch tài trợ, Bộ Công Thương đã xây dựng và phát hành tài liệu hướng dẫn SXSH cho ngành luyện thép bằng lò điện hồ quang. Sau 10 năm phát hành, các DN ngành thép và chuyên gia phát hiện thêm nhiều ý tưởng cải tiến và áp dụng các giải pháp mới vào quy trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu suất, giảm thiểu mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu và năng lượng. Do vậy, vừa qua Bộ Công Thương đã giao Trung tâm Xây dựng tài liệu hướng dẫn SXSH cho ngành thép mới, có cập nhật và bổ sung thêm cho công nghệ luyện thép bằng lò trung tần và công nghệ cán thép.
Theo đó, tài liệu hướng dẫn mới đã cập nhật được hiện trạng công nghệ; công nghệ sản xuất; mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu, năng lượng; phân tích và đề xuất các giải pháp SXSH và hướng dẫn cách triển khai thực hiện cho các DN trong luyện thép bằng lò điện hồ quang, lò điện trung tần và cán thép.
Cũng theo ông Bảo, kết quả thử nghiệm cho thấy, trong công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang, tiềm năng tiết kiệm sắt thép phế đầu vào khoảng 5%, tiết kiệm điện cực graphit khoảng 28-34%, tiết kiệm điện năng khoảng 9-33%. Trong công nghệ cán thép tiềm năng tiết kiệm khoảng 33 – 36%, trong công nghệ luyện thép bằng lò điện trung tần tiềm năng tiết kiệm khoảng 28-33% so với các công nghệ tốt nhất hiện có. Đây là các tiềm năng, cơ hội để áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn nhằm giảm định mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu. Các giải pháp mới này khi được đánh giá cụ thể sẽ được cập nhật vào sổ tay hướng dẫn sản xuất sạch hơn cho ngành thép.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nhóm chuyên gia trong quá trình xây dựng và triển khai thí điểm ở một số DN đó là nhận thức của DN còn hạn chế. Tiếp theo là rào cản về chi phí đầu tư cải tiến công nghệ, trong khi các giải pháp SXSH về cải tiến công nghệ phải tiêu tốn một khoản chi phí đầu tư ban đầu, nhiều DN chưa nhận thức được bài toán chi phí lợi ích khi cải tiến các thiết bị nên rất khó có thể áp dụng giải pháp đầu tư công nghệ mới…
Theo ông Bảo, để các DN thép đẩy mạnh giải pháp SXSH, cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình áp dụng thành công SXSH. Nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy SXSH. Thực hiện lồng ghép nội dung SXSH vào chiến lược, quy hoạch phát triển ngành thép cũng như có chính sách hỗ trợ tài chính đối với các dự án SXSH, chuyển đổi công nghệ sản xuất của các DN thép…
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất thép Việt Nam, hiện 65% tổng sản lượng thép trong nước được các DN sản xuất theo công nghệ EAF, tiền điện thường chiếm 8-9% chi phí sản xuất. Do vậy đầu tư đổi mới công nghệ sẽ giúp DN tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, giảm giá thành sản xuất.