Trang chủ / Tin tức / Sản xuất và tiêu dùng bền vững / Sản xuất công nghiệp: Để niềm vui trọn vẹn hơn

Sản xuất công nghiệp: Để niềm vui trọn vẹn hơn

In bài viết Chia sẻ:

Quý I/2024, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%, khu vực này tiếp tục trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng

Sản xuất công nghiệp quý I/2024 tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3/4 ngành công nghiệp cấp I gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng so với cùng kỳ năm trước với con số lần lượt là 5,9%, 12,1% và 4%.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I tăng 5,9%, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%, kéo theo chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo thời điểm 31/3/2024 dự kiến tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo bình quân quý I là 68,7%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tồn kho cùng cùng kỳ năm 2023 là 81,1%. Điều này khẳng định trực tiếp “sức khỏe” của ngành đang tốt lên.

Với kết quả trên, sản xuất công nghiệp được nhận định là điểm sáng của nền kinh tế trong quý I vừa qua. Đáng nói, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, sản xuất công nghiệp tăng chứng tỏ một phần sức chống chịu của doanh nghiệp sản xuất trong nước đã vững vàng hơn, có thể tồn tại, tăng trưởng trong thách thức.

công nghiệp chế biến, chế tạo
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng (Ảnh minh họa)

Dù vậy, theo các chuyên gia, kết quả đạt được của sản xuất công nghiệp dù là niềm vui nhưng chưa trọn vẹn. Bởi lẽ, sản xuất công nghiệp quý I tăng khá nhưng trên nền sản xuất quý I năm 2023 giảm.

Mặt khác, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 cũng tăng thấp so cùng kỳ những năm trước. Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp tuy có tăng nhưng mức độ chuyển biến còn chậm và chưa thực sự khởi sắc.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, với phần lớn sản lượng sản xuất phục vụ xuất khẩu, “sức khoẻ” của ngành này không chỉ phản ánh hiện trạng sản xuất mà còn là tấm gương soi chiếu của hoạt động xuất nhập khẩu. Sức tăng trưởng thấp của ngành trong quý đầu tiên của năm nay khiến các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thực hiện mục tiêu ổn định và tăng trưởng vĩ mô của nền kinh tế.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn

Nỗi lo về mức tăng trưởng thấp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được giảm đi phần nào khi các doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý II khả quan hơn quý I. Cụ thể, với 82,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II tốt hơn và giữ ổn định so với quý I (45,4% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, 36,6% nhận định hoạt động sản xuất kinh, doanh ổn định) và chỉ có 18,0% doanh nghiệp đánh giá sẽ khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, ở khối địa phương, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng khi chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 tăng ở 54/63 địa phương. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao ở mức hai đến ba con số do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao, như Trà Vinh; Khánh Hoà; Bắc Giang; Thanh Hoá; Hà Nam; Quảng Ninh…

Đáng nói, theo kết quả điều tra, doanh nghiệp chế biến chế tạo tại nhiều địa phương đáng giá rất cao về triển vọng tăng trưởng trong quý II cao hơn quý I.

Sự lạc quan về sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo và các địa phương trong quý II/2024 là yếu tố tốt nhưng để ngành công nghiệp có được “niềm vui trọn vẹn” trong những tháng tiếp theo cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan quản lý.

Bên cạnh chính sách tiền tệ, lãi suất ngân hàng phù hợp, ở góc độ sản xuất cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu. Đồng thời được tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm và tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh.

Ở cấp độ vĩ mô, để đảm bảo công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng, ngành công nghiệp nói chung tăng trưởng ổn định và bền vững, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý liên quan cần rà soát, thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp chủ lực như dệt may, da dày…

Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững nhằm nối cầu phục hồi cho các ngành công nghiệp liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ động đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhu cầu điện tiêu dùng và sản xuất đặc biệt trong những tháng cao điểm trong quý II, quý III. Thực hiện các phương án ổn định giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nguyên vật liệu xây dựng bảo đảm cân đối cung cầu.

 

Tác Giả: Hải Linh

Nguồn Tin: báo công thương