Không còn là những tạo hình đơn giản, thô sơ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) của làng nghề Việt Nam đang dần “lột xác” với dáng vẻ bắt mắt và trở thành những món đồ sáng tạo có giá trị cao, xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ “lột xác”
Với tâm huyết và sáng tạo của mình, bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã biến những sản phẩm truyền thống của Việt Nam trở thành hàng xuất khẩu có giá trị, phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới. Cơ sở sản xuất sản phẩm TCMN kết hợp cỏ tế (guột) với các nguyên liệu như cói, bẹ ngô, mây, tre, giang… của bà Nguyễn Thị Lương, bình quân mỗi năm xuất khẩu trên 100.000 sản phẩm, trị giá 17 – 18 tỷ đồng đi các thị trường như Rumani, Hungary, Mỹ, Nga… các sản phẩm của công ty chủ yếu là bát đựng hoa quả, lẵng hoa, cốc, lọ, con giống, thùng đựng, chao đèn, chậu, làn, đồ dùng trong nhà… Năm 2020, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng dự kiến giá trị xuất khẩu đạt trên 10 tỷ đồng, công ty của bà Lương đã ký hợp đồng với khách hàng tại Mỹ, Nga đến giữa năm 2021.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương như bát gà, thùng sắt bèo tây đã được tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố Hà Nội và khu vực phía Bắc. Các sản phẩm làm từ guột của công ty nhiều năm liền được bình chọn là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Đặc biệt, 3 sản phẩm dùng để cắm hoa, trang trí là làn hoa tuyết xách tay; chao đèn; bộ gốm đan bọc guột, mây mới được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Tương tự, là một trong số ít cơ sở sản xuất ký hợp đồng chế tác đồ trang sức với thương hiệu nổi tiếng Hermes (Pháp), cơ sở của ông Vũ Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hahanco (Thụy Ứng, huyện Thường Tín, Hà Nội), thực hiện nhiều sản phẩm như vòng tay, vòng cổ, hoa tai… được trau chuốt, kiểu dáng sang trọng, màu sắc nhã nhặn và bắt mắt theo thiết kế của Hermes đẹp đến mức nếu không nói ra thì mọi người sẽ nghĩ là hàng nhập khẩu từ nước ngoài về chứ không phải xuất phát từ ngôi làng ven đô Hà Nội.
Ông Vũ Thanh Liêm cho biết, những chiếc lược sừng với kiểu dáng bình thường nhưng làm theo thiết kế của khách hàng Nhật Bản sẽ cho ra một sản phẩm tinh tế, mềm mại hơn. Đồng thời, giá thành của những sản phẩm này khi đưa vào thị trường nước ngoài, giá thành cũng cao hơn rất nhiều so với bán trong nước.
Dư địa xuất khẩu lớn
Dù không phải là ngành hàng thiết yếu nhưng trong một xã hội phát triển, nhu cầu hàng trang trí bằng các sản phẩm TCMN đóng vai trò ngày càng cao khiến dư địa phát triển cho ngành hàng này hiện nay là rất lớn. Do đó, để nắm bắt cơ hội thị trường, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề cần trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường, trong đó có truy xuất nguồn gốc. Trong bối cảnh của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng TCMN vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam – nhận định, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hàng TCMN và nông sản, có những sản phẩm tốt và những nhà sản xuất có trách nhiệm, nhất là những cơ hội lớn đang được mở ra từ các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA đối với ngành TCMN hiện nay.
Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm hơn về các vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các vấn đề liên quan đến an toàn và sức khỏe, sản xuất sạch – thân thiện với môi trường… Các sản phẩm TCMN sử dụng nguyên liệu tận dụng và tái chế và kênh thị trường thương mại bình đẳng được dự báo sẽ ngày càng được phát triển. Những điều này là lợi thế nhưng cũng là những thách thức lớn đối với các làng nghề truyền thống của Việt Nam hiện nay khi hiện trạng sản xuất các làng nghề còn chưa tập trung, manh mún, nhỏ lẻ.
Để ngành hàng TCMN Việt Nam có thể mạnh mẽ vươn ra thế giới, ngành TCMN cần xác định dịnh hướng chiến lược xuất khẩu hàng TCMN giai đoạn 2021 – 2025. Cùng với đó, Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ tập trung nâng cao năng lực xuất khẩu chuỗi giá trị hàng TCMN Việt Nam trên cơ sở tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp. Tăng cường tính gắn kết ngành và xây dựng thương hiệu ngành TCMN gắn với xúc tiến thương mại, phát triển bền vững nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên bình diện khu vực – phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2025.
Với hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề trên cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động nông thôn. Các sản phẩm làng nghề của cả nước đã xuất khẩu sang khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD/năm. Điều này đã tạo thêm “lực đẩy” để phát triển các mặt hàng TCMN của làng nghề, có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.