Trang chủ / Tin tức / Quảng Ninh áp dụng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác khuyến công

Quảng Ninh áp dụng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác khuyến công

In bài viết Chia sẻ:

Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thời gian vừa qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhìn chung đã đạt được những kết quả quan trọng, động viên và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, trước tác động và diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh Covid-19, Chương trình khuyến công đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh đầu tư nhiều máy móc, thiết bị khi được thụ hưởng kinh phí khuyến công

Qua đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các đề án tới các cơ sở sản xuất CNNT trong nhiều năm qua cho thấy, các đề án được triển khai phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, lợi thế của từng địa phương. Đặc biệt các đề án điểm theo ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương đã góp phần tạo sự liên kết, khuyến khích, hỗ trợ thúc đầy sự phát triển CNNT theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đi đúng theo chủ trương phát triển của hoạt động khuyến công.

Nhờ đó đã góp phần giúp các cơ sở CNNT xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đủ khả năng cạnh tranh và thay thế hàng nhập ngoại.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt đạt được, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như: Số lượng biên chế làm công tác khuyến công còn ít, trình độ chuyên môn chưa bao phủ hết các ngành nghề được thụ hưởng chính sách khuyến công, địa bàn hoạt động rộng làm ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động khuyến công.

Chưa có mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã. Cấp huyện có cán bộ theo dõi, nhưng do kiêm nhiệm nên hiệu quả mang lại chưa cao (Biên chế thuộc phòng Kinh tế, Kinh tế và hạ tầng huyện). Trình độ quản lý của chủ các cơ sở CNNT còn hạn chế, thiếu chủ động tiếp cận hoạt động khuyến công, thiếu chủ động nghiên cứu xây dựng đề án.

Một số nội dung của hoạt động khuyến công tỉnh Quảng Ninh chưa được triển khai thực hiện như: Hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp tìm kiếm mặt bằng sản xuất, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư; Hầu hết các quy mô của mỗi đề án/dự án khuyến công nhỏ, chưa có dự án thể hiện rõ nét tính liên kết vùng, khu vực và quốc gia hoặc chưa thể hiện được sự hỗ trợ thúc đẩy cho một loại sản phẩm công nghiệp mũi nhọn nào đó.

Hỗ trợ ứng dụng máy chiết rót sữa tại Công ty CP Sữa Đông Triều

Chính vì thế, để nâng cao chất lượng công tác khuyến công trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình KCQG giai đoạn 2021 – 2025 tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để xây dựng chương trình khuyến công của địa phương cho phù hợp; tăng cường rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến công phù hợp với các chủ trương mới của Trung ương.

Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo nhiều việc làm cho người lao động, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm; các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn trong chuỗi giá trị từng ngành công nghiệp, khai thác triệt để những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm khôi phục, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh để duy trì và thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, chú trọng các giải pháp sản xuất kinh doanh phù hợp trong điều kiện thích ứng an toàn với diễn biến của dịch Covid-19.

Thứ tư, do nguồn lực về vốn của Nhà nước dành cho chương trình khuyến công có hạn nên đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở CNNT cũng cần nhanh chóng chuyển hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, như đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; Chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra…; Đồng thời thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Thứ năm, tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khuyến công; tập huấn quản lý CNNT; hướng dẫn tư vấn phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp…

Thứ sáu, tăng cường công tác thông tin dự báo chính xác, kịp thời về thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, thị trường vật tư, nguyên liệu; Xây dựng kênh phân phối hàng hoá gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ cho các doanh nghiệp, HTX./.

Tác Giả: Phan Hường

Nguồn Tin: TTXTVPTCT