Có thể khẳng định, sự phát triển công nghiệp nông thôn đã nhận được trợ lực lớn từ công tác khuyến công. Bởi các cơ sở công nghiệp nông thôn sau khi được thụ hưởng từ nguồn kinh phí khuyến công đều có những chuyển biến tích cực về quy mô sản xuất, số lượng, chất lượng sản phẩm; đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo ổn định trật tự xã hội. |
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN), tính từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có 114 đề án khuyến công được thực hiện với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng. Các đề án đã thu hút được hơn 200 tỷ đồng vốn đối ứng đầu tư từ doanh nghiệp, đồng thời đào tạo, dạy nghề cho hơn 700 lao động nông thôn. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2014, toàn tỉnh có 13 đề án khuyến công được triển khai thực hiện với tổng kinh phí là trên 1,5 tỷ đồng (kinh phí khuyến công địa phương là 1 tỷ đồng, kinh phí khuyến công quốc gia là 530 triệu đồng).
Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất và chế biến dược liệu là một trong những đề án khuyến công được thực hiện hiệu quả thời gian qua. Qua đó đã tạo ra sản phẩm thực phẩm chức năng dạng viên nang mới từ dược liệu. Đây là một trong những sản phẩm mới được Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc đưa vào sản xuất thí điểm thành công. Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty cho biết: Khai thác tiềm năng và thế mạnh cây dược liệu tại vùng Cộng Hoà (TP Cẩm Phả), Công ty đã sản xuất và cung ứng một số các loại trà túi lọc như: Trà giảo cổ lam Đông Bắc; trà diệp hạ châu Đông Bắc; trà tiểu đường Đông Bắc; trà bổ gan, giải độc gan Đông Bắc tiêu thụ tại một số tỉnh thành trong cả nước. Nhằm cải tiến về chất lượng và tiện ích của sản phẩm, đồng thời nhận thấy Quảng Ninh hiện chưa có đơn vị nào sản xuất những sản phẩm thực phẩm chức năng dạng viên nang, do đó bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ khuyến công quốc gia, Công ty đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất loại sản phẩm này. Trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn đó là rất đáng quý bởi nó san sẻ bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Được biết, từ tháng 1-2014, Công ty mạnh dạn đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, trang sắm hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại như: Máy cắt thái dược liệu, tủ sấy dược liệu… Sau thời gian ngắn nghiên cứu và khảo sát thị trường, đến nay, Công ty đã thử nghiệm thành công và đưa vào sản xuất đại trà sản phẩm. Ngoài các loại trà, Công ty đã chế biến và sản xuất thành công các sản phẩm như: Viên tiểu đường Đông Bắc; viên giảo cổ lam Đông Bắc; viên giải rượu, giải độc gan Đông Bắc… với công suất 4,5 triệu viên/ năm. Từ các sản phẩm này, doanh thu của Công ty năm 2014 đạt trên 1 tỷ đồng… Dự kiến, năm 2015, Công ty sẽ mở rộng sản xuất để đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng.
Ngoài đề án Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất và chế biến dược liệu của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc, một số đề án khuyến công khác cũng đạt được hiệu quả tích cực như: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất than sạch từ phụ phẩm nông, lâm nghiệp do Công ty TNHH MTV PT Computer làm chủ đầu tư tại địa bàn huyện Tiên Yên, đầu tư sản xuất nước uống tinh khiết tại Ba Chẽ, đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất miến dong tại Bình Liêu, đầu tư máy móc chế biến hải sản tại Cô Tô…
Không chỉ hỗ trợ nguồn vốn giúp các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, công tác đào tạo nghề cũng được chú trọng, như: Sơ cấp nghề điện dân dụng (Hải Hà, Tiên Yên), nghề may (Tiên Yên), nghề mộc dân dụng (Tiên Yên, Đầm Hà)… Được biết, để các đề án phát huy hiệu quả, hàng năm Trung tâm đều tổ chức rà soát, đánh giá theo nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, tránh đào tạo tràn lan. Bên cạnh đó, Trung tâm còn thực hiện ký hợp đồng cụ thể với các doanh nghiệp nên hầu hết các học viên sau khi hoàn thành khoá học đều được các doanh nghiệp tuyển dụng với thu nhập ổn định. Từ những kết quả trên cho thấy, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc tăng tỷ trọng, giá trị sản xuất công nghiệp và ngành nghề nông thôn, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.