Những năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – vật liệu xây dựng (CN-VLXD) trên địa bàn tăng mạnh, kéo theo nhu cầu sử dụng điện năng để phục vụ sản xuất ngày càng lớn. Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Ninh, năm 2007 sản lượng điện phục vụ cho 1.987 khách hàng sản xuất CN-VLXD là 653 triệu KWh. Đến năm 2011, nhu cầu sử dụng điện đã tăng lên gấp đôi với 1.038 triệu KWh. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng điện phục vụ cho 4.600 khách hàng sản xuất CN-VLXD là hơn 600 triệu KWh (chiếm 57% tỷ trọng cơ cấu dùng điện của toàn tỉnh). Trong đó, sản lượng điện cung cấp cho 50 doanh nghiệp trọng điểm (theo danh sách của Chính phủ) đã lên tới 390 triệu (tăng 8,2% so với cùng kỳ và chiếm hơn 35% tỷ trọng). Qua số liệu trên cho thấy, sản lượng điện dùng trong các doanh nghiệp trọng điểm là rất lớn (chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh). Vì vậy, việc đẩy mạnh tiết kiệm điện ở những khách hàng này cũng chính là góp phần bảo vệ an ninh năng lượng của quốc gia, khắc phục tình trạng thiếu điện và bảo đảm cung ứng nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cũng theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Ninh cho thấy, tính đến hết tháng 8 năm 2012, sản lượng điện tiết kiệm được là gần 16 triệu KWh (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2011). Mặc dù việc tiết kiệm điện bước đầu đã đạt được hiệu quả, nhưng vẫn chưa có sự bứt phá và các doanh nghiệp cũng chưa tích cực vào cuộc. Theo thống kê, rà soát của Sở Công Thương, đến nay mới có 22/50 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng và có 62 cán bộ quản lý đã được cấp chứng chỉ về quản lý năng lượng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Đông, Trưởng phòng Quản lý Điện năng, Sở Công Thương cho biết: “Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả, thời gian qua Sở Công Thương cùng với Công an tỉnh thực hiện việc kiểm tra 5 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy việc thực hiện đã đi vào nền nếp, có 3/5 đơn vị đã thực hiện xây dựng định mức về xuất tiêu hao nguyên liệu/tấn sản phẩm như các Công ty Than Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp mới chỉ thực hiện ở khâu quản lý cho nên hiệu quả tiết kiệm điện chưa được cao. Trong khi tiềm năng tiết kiệm điện ở các doanh nghiệp đó vẫn còn rất lớn”.
Theo nhận định, việc triển khai còn gặp một số khó khăn do việc thay thế các thiết bị tiết kiệm năng lượng như đối với ngành Than thì phải cần vốn đầu tư rất lớn; số lượng các đơn vị có chức năng chuyên môn ít, trong khi đó nhu cầu đào tạo về công tác quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng trên địa bàn lại rất cao. Sở Công Thương hiện mới có 7 cán bộ quản lý nhà nước về điện, công tác quản lý tại các địa phương đa phần là kiêm nhiệm nên việc triển khai, bám sát các chương trình còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, tính đến thời điểm này Quảng Ninh chưa có đơn vị chuyên trách độc lập như Trung tâm tiết kiệm năng lượng để triển khai các hoạt động và đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý; các cơ chế chính sách hỗ trợ về năng lượng mới, năng lượng tái tạo chưa đầy đủ. Một số chính sách đã có, tuy nhiên, vẫn chưa tạo động lực thúc đẩy cho các doanh nghiệp trọng điểm đầu tư vào lĩnh vực này…
Thiết nghĩ, trong thời gian tới các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường giám sát việc sử dụng tiết kiệm điện 10% với các đơn vị hưởng thụ ngân sách và 1% đối với các đơn vị sử dụng điện sản xuất; xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường… để phong trào tiết kiệm điện ở các doanh nghiệp trọng điểm thực sự phát huy được hiệu quả, góp phần bảo đảm tài nguyên năng lượng của địa phương.