Trang chủ / Tin tức / Nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công: Để thực sự là đòn bẩy của công nghiệp nông thôn

Nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công: Để thực sự là đòn bẩy của công nghiệp nông thôn

In bài viết Chia sẻ:

Hiệu quả đã có

Trong giai đoạn từ năm 2008-2012, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã triển khai hỗ trợ cho 177 đề án với tổng kinh phí là trên 8,9 tỷ đồng trong đó có 12 đề án khuyến công Quốc gia, 165 đề án khuyến công địa phương. Qua đó đã thu hút 159,4 tỷ đồng đầu tư vào phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Thông qua hoạt động khuyến công đã xây dựng 8 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ 110 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến. Cùng với đó đã hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm, triển khai hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin. Bước sang năm 2013, hoạt động khuyến công tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, đề án hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí là 2,7 tỷ đồng với 35 đền án khuyến công địa phương và 2 đề án khuyến công quốc gia. Thông qua hoạt động khuyến công đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đổi mới được máy móc trang thiết bị, nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động. Hoạt động khuyến công được triển khai tại 11/14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần xoá được một số vùng trắng công nghiệp tại các huyện vùng cao biên giới, hải đảo như Bình Liêu, Cô Tô, giúp các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Nồi chưng cất nước mắm của Công ty CP thuỷ sản Đại Yên được hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia.

Điển hình dự án đầu tư thiết bị mở rộng quy mô sản xuất gạch ép bê tông đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh phối hợp cùng với Công ty cổ phần TM&DV Hương Trang (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) thực hiện đã được đánh giá là thành công lớn. Với kinh phí hỗ trợ 70 triệu đồng từ chương trình khuyến công địa phương để doanh nghiệp mua máy ép gạch, máy trộn bê tông để sản xuất vật liệu không nung. Sản phẩm làm ra được người tiêu dùng đánh giá cao với chất lượng tốt, giá thành rẻ, đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của người dân, đặc biệt không gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ tạo ra dòng sản phẩm rẻ, thân thiện với môi trường, giúp cho doanh nghiệp ở khu vực nông thôn ổn định sản xuất trong thời điểm khó khăn mà còn giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Hay như dự án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ ván ghép thành từ gỗ keo phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu do Trung tâm phối hợp với Công ty TNHH xây dựng Đông Triều thực hiện. Từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình khuyến công, Công ty đã đầu tư máy phay mộng Finger, 1 máy ghép dọc, máy ghép ngang để hoàn thiện hệ thống máy móc thiết bị, đáp ứng yêu cầu sản xuất ván ghép thanh nội địa và xuất khẩu. Theo lãnh đạo Công ty TNHH XD Đông Triều cho biết Công ty được chương trình khuyến công của tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng Công ty đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị sản xuất, từ đó công suất được nâng lên đạt 1.650m3 sản phẩm ván ghép thanh/năm, góp phần tiêu thụ gỗ rừng trồng và bảo vệ rừng; giải quyết việc làm ổn định cho 27-40 lao động tại địa phương.

Nhưng chưa tác động mạnh

Bên cạnh những kết quả đã được, hoạt động khuyến công còn gặp không ít khó khăn.  Đó là nguồn kinh phí dành cho hoạt động khuyến công còn thấp. Theo tính toán của Trung tâm khuyến công và tư vấn hỗ trợ công nghiệp tỉnh,  định mức hỗ trợ cho việc thực hiện một đề án khuyến công của năm 2013 đã tăng 10% so với năm 2012 (trung bình 68 triệu đồng/đề án) song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bởi tổng kinh phí đầu tư thực hiện một đề án khuyến công từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng, trong khi đó kinh phí hỗ trợ từ quỹ khuyến công cho đề án cao nhất cũng chỉ tới 100 triệu đồng. Phần kinh phí hỗ trợ cho đề án còn rất thấp nên đa số các chủ đầu tư dự án còn e ngại, chưa thiết tha với việc đầu tư cho phát triển công nghiệp nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hơn nữa, việc lập hồ sơ và quy trình phê duyệt hồ sơ đề án và thủ tục thanh quyết toán còn quá rườm rà, trong khi đó trình độ của một số chủ đề án ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Do vậy, công tác khuyến công chưa tác động mạnh đến việc khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư vốn phát triển CNNT. Trong khi đó phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT hiện đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, sản phẩm CNNT còn đơn điệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, còn phát triển theo hướng tự phát. Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công hiện có mỏng, chưa được đào tạo bài bản, phương tiện, điều kiện làm việc còn thiếu thốn, việc bám sát cơ sở, đảm đương hết các nhiệm vụ là điều hết sức khó.

Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện chưa được bố trí đầy đủ, phải kiêm nhiệm nhiều việc và thường xuyên luân chuyển; cán bộ làm công tác khuyến công cấp xã chưa được bố trí gây khó khăn lớn tới hiệu quả khuyến công. Từ đó, việc khảo sát, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn và khả năng xây dựng, lựa chọn các đề án khuyến công có tính khả thi tại địa phương chưa được nhiều, còn ít về số lượng, kinh phí được hỗ trợ còn khiêm tốn; chưa có kế hoạch đồng bộ hỗ trợ chuyển tiếp sau khi thực hiện các đề án; việc duy trì sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực của các cơ sở CNNT còn thấp, kiến thức pháp luật và năng lực quản lý của các chủ đề án khuyến công còn hạn chế, phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công tác khuyến công. Công tác khuyến công chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp của từng địa phương, ngành. Vì vậy nhiều đề án đã được lựa chọn thực sự chưa phát huy được hiệu quả. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng đề án cũng như việc tổ chức triển khai các đề án khuyến công còn có hạn chế. Không những thế, trong quá trình thực hiện, một số đề án còn vướng mắc ở các thủ tục về giải phóng mặt bằng, do vậy thường có sự thay đổi đề án hoặc phải kéo dài thời gian thực hiện.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: Để công tác khuyến công hoạt động có hiệu quả hơn, trong thời gian tới Trung tâm sẽ tập trung vào việc xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án khuyến công có trọng tâm, trọng điểm đặc biệt là các đề án được thực hiện tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Tác Giả: Anh Quân

Nguồn Tin: TTXTVPTCT