Trang chủ / Tin tức / “Lấy khuyến công nuôi khuyến công”

“Lấy khuyến công nuôi khuyến công”

In bài viết Chia sẻ:

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XIV- năm 2019, do Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức ngày 23/5.

Khuyến công quốc gia góp phần phát triển CNNT địa phương

Điểm trũng thiếu vốn

Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Chính Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương – cho biết: Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2019 được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 140,467 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm, toàn vùng đã thực hiện với kinh phí 17,322 tỷ đồng, đạt 12,33% kế hoạch năm.

Từ nguồn kinh phí được giao, các địa phương trong khu vực đã tổ chức đào tạo nghề cho 150 lao động; hỗ trợ 33 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất công nghiệp; tổ chức 2 hội chợ và hỗ trợ 123 cơ sở CNNT tham gia; thực hiện đăng ký và xây dựng thương hiệu cho 1 cơ sở CNNT…

Dù vậy, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của khu vực năm 2019 thấp hơn 3,14% so với cùng kỳ năm 2018. 4 tháng đầu năm 2019, kinh phí thực hiện của toàn vùng cũng giảm 21,69% so với cùng kỳ. Tại hội nghị, nhiều địa phương phản ánh, kinh phí hỗ trợ nội dung khuyến công thấp, không hấp dẫn được các cơ sở CNNT tham gia và thụ hưởng. Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng đề án hạn chế, còn ít địa phương đăng ký và triển khai được đề án mang tính điển hình và lan tỏa cao. Việc bảo vệ định mức chi phí cho trung tâm khuyến công các địa phương rất khó khăn, do vậy khó bảo đảm nguồn kinh phí cho vận hành bộ máy khuyến công…

Nghiên cứu cơ chế hồi vốn

Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng: Cục Công Thương địa phương và các địa phương nghiên cứu phương án hồi vốn cho khuyến công với doanh nghiệp đã được hỗ trợ, đạt hiệu quả kinh tế cao nhằm chia sẻ nguồn lực triển khai những hoạt động khác.

Cùng đó, các địa phương cần thay đổi nhận thức về nguồn kinh phí khuyến công. Hiện, nguồn kinh phí khuyến công một số địa phương do tỉnh cấp cao hơn nguồn khuyến công quốc gia. Nguyên do, các địa phương này nhận thức rõ ràng vai trò của khuyến công với phát triển công nghiệp của địa phương, dành nguồn lực xứng đáng cho triển khai các đề án phù hợp. Vì vậy, các địa phương cần chủ động bố trí kinh phí hơn nữa cho công tác khuyến công.

Nhằm hoàn thành hiệu quả mục tiêu công tác khuyến công, trước mắt, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đôn đốc đơn vị thực hiện đề án khuyến công đảm bảo đúng tiến độ, quy định. Tập trung rà soát nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; xây dựng đề án điểm, đề án nhóm, đề án hỗ trợ cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu đạt cấp khu vực, cấp quốc gia đảm bảo có sự liên kết; giảm mạnh việc khảo sát, lựa chọn các đề án dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp.

Về dài hạn, các địa phương thực hiện tốt xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2020, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Cục Công Thương địa phương, đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch các hoạt động khuyến công theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. “Nội dung này cần được thực hiện và hoàn thành vào đầu năm 2020 để trình và được phân bố đủ kinh phí thực hiện” – Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Về hạn chế chưa có nhiều các đề án có tính lan tỏa cao, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương – cho rằng, cần thiết lập mối quan hệ giữa Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Cục Công Thương địa phương) và các địa phương nhằm xây dựng đề án có tính liên vùng, hiệu quả cao. Đồng thời, đưa kinh phí khuyến công vào định mức hàng năm của Sở Công Thương nhằm có đủ nguồn lực cho khuyến công triển khai các hoạt động.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An:

Chủ động bố trí nguồn kinh phí cho triển khai đề án phù hợp với điều kiện địa phương là yếu tố chính giúp các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Bắc sớm hoàn thành hiệu quả kế hoạch khuyến công năm 2019.

Tác Giả: Hoàng Minh Sơn

Nguồn Tin: TTXTVPTCT