Trang chủ / Tin tức / Khuyến công Quảng Ninh tích cực hỗ trợ phát triển chế biến thực phẩm

Khuyến công Quảng Ninh tích cực hỗ trợ phát triển chế biến thực phẩm

In bài viết Chia sẻ:

Nhiều năm gần đây, thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Các sản phẩm thực phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn thành công khi giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng, phong phú các sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 toàn cầu đã gây ra nhiều xáo trộn, khiến ngành thực phẩm Việt Nam chịu tác động lớn. Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, tiêu thụ trong nước sụt giảm, đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hoặc giảm đáng kể, hoạt động logistics, vận tải hàng hóa bị đình trệ, ùn tắc tại các cảng, hàng hóa và dòng vốn đều thiếu hụt hoặc dồn ứ tại kho, trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải duy trì trách nhiệm xã hội tối đa khiến nhiều doanh nghiệp phải chịu khó khăn và các sức ép lớn. Bên cạnh đó, những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng cũng có những ảnh hưởng trái chiều lên doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có chiến lược thay đổi và ứng phó thích hợp. Đứng trước sóng gió chung, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh bằng cách đầu tư máy móc, thiết bị tiến tiến hiện đại, chuyển hướng từ sản xuất thực phẩm truyền thống sang sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chú trọng chất lượng và mẫu mã sản phẩm để chinh phục thị trường.

 

Hộ kinh doanh Vũ Anh Tuấn (Thành phố Uông Bí) được hỗ trợ ứng dụng máy lão hóa rượu để phát triển sản phẩm rươu mơ Yên Tử
Chính sách khuyến công đã và đang hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nói chung, cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm nói riêng, từ đó tạo động lực khích lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh bền vững, góp phần phát triển công nghiệp trở thành một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

Trong 2 năm 2021 và 2022, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh đã thực hiện nhiều đề án để hỗ trợ cho các cơ sở CNNT ngành chế biến thực phẩm phát triển. Cụ thể: Năm 2021, Trung tâm thực hiện 3 đề án khuyến công quốc gia và 3 đề án khuyến công địa phương để hỗ trợ 1.200 triệu đồng cho 6 cơ sở CNNT đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất các sản phẩm nước khoáng, sữa tươi, ruốc hàu, bánh đa, khoai lang kén. Đến năm 2022, việc hỗ trợ các cơ sở chế biến thực phẩm được thực hiện tích cực hơn, thể hiện ở con số kinh phí mà ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ cho các đơn vị là 2.200 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với  năm 2021. Năm 2022, đã có 4 cơ sở CNNT được hưởng kinh phí khuyến công quốc gia để ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất dược liệu, đông trùng hạ thảo, thạch rau câu và chân gà rút xương. Bên cạnh đó, ở nguồn khuyến công địa phương cũng có 5 cơ sở CNNT được hưởng kinh phí hỗ trợ để đầu tư cho sản xuất rượu, cao dược liệu, trà hoa vàng, nước mắm. Sang năm 2023, trong kế hoạch đăng ký với Cục Công Thương địa phương và Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh xây dựng danh mục đề án gồm 11 đề án liên quan đến hỗ trợ chế biến thực phẩm.

Các sản phẩm của Công ty CP Sữa Đông Triều được chiết rót, đóng chai bằng máy móc, thiết bị hỗ trợ

Ông Vũ Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh nhận định: “Việc thay thế máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm còn giúp ngành thực phẩm tiết kiệm được rất nhiều chi phí: tiêu hao nhiên liệu, sửa chữa, nguyên vật liệu. Bên cạnh đó việc sản xuất các loại thực phẩm không những đảm bảo mà còn nhanh chóng hơn, giảm thiểu lao động thủ công từ đó tiết kiệm được chi phí thuê nhân công, hạ giá thành sản xuất, giảm giá bán và lợi nhuận tăng cao”.

Ngoài ra, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá các loại sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương với mức lương ổn định và được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Tăng doanh thu, lợi nhuận hàng năm cho cơ sở chế biến; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp tại địa phương, đóng góp ngân sách cho Nhà nước và đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội./.

Tác Giả: Phan Hường

Nguồn Tin: TTXTVPTCT