Trang chủ / Tin tức / Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển

Khuyến công thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển

In bài viết Chia sẻ:

Với nhiều giải pháp chủ động, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 tiếp tục đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Qua đó, giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cấp dây chuyền, máy móc thiết bị tiên tiến để thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.


Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ được hỗ trợ kinh phí đầu tư máy sấy thăng hoa nâng cao chất lượng sản phẩm.

Năm 2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển Công Thương Quảng Ninh được phê duyệt 16 đề án, nhiệm vụ khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 3,8 tỷ đồng. Trong đó, có 6 đề án cơ sở công nghiệp nông thôn được khuyến công quốc gia hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất là 1,8 tỷ đồng (300 triệu đồng/đề án); 10 đề án thuộc đề án khuyến công địa phương hỗ trợ đầu tư công nghệ máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất là 2 tỷ đồng (200 triệu đồng/đề án). Đến thời điểm này, trung tâm đã hoàn thành 100% tiến độ triển khai và đang trong giai đoạn nghiệm thu các đề án. Qua nghiệm thu tại một số đơn vị được hỗ trợ, bước đầu đã cho thấy hiệu quả nhất định trong sản xuất kinh doanh từ cơ sở.

Là một trong những đơn vị được nhận hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia, với mức hỗ trợ 300 triệu đồng, từ đầu năm 2023, Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ đã đầu tư thêm thiết bị máy móc sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm bớt các khâu sản xuất so với trước đây.

Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ cho biết: Sau khi nhận nguồn hỗ trợ từ khuyến công địa phương, Công ty đã đầu tư thêm thiết bị máy sấy thăng hoa để sản xuất với kinh phí 950 triệu đồng. Từ khi được lắp đặt, đưa vào vận hành đã giúp tối ưu được chi phí nhân công, tăng năng suất sấy và giảm thời gian sấy khô, nhưng vẫn giữ được hình dáng tự nhiên, chất dinh dưỡng sẵn có của hoa và lá của cây trà hoa vàng. Thành phẩm sau khi sấy cũng có độ thẩm mỹ cao hơn, được người tiêu dùng đánh giá tốt. Điều này cũng đã khiến cho doanh nghiệp chúng tôi tự tin khẳng định thương hiệu hơn nữa trong thời gian tới. Năm 2023, doanh thu kinh doanh của Công ty ước đạt khoảng 3 tỷ đồng. Hiện tại, chúng tôi cũng đang chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ gửi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia xem xét xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao cho Trà hoa vàng Ba Chẽ.

Ông Trần Văn Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ cho biết: Công tác khuyến công là nguồn động viên, hỗ trợ sản xuất rất lớn đối với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, HTX trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài lợi ích kinh tế, các dự án hỗ trợ còn đem lại hiệu quả xã hội thiết thực, khắc phục những bất cập hiện nay trong sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp địa phương, đặc biệt là đối với các xã, thôn, bản vùng cao như: Thiết bị sản xuất còn lạc hậu, không đồng bộ, bố trí mặt bằng sản xuất không hợp lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm kém… Chính vì vậy, tôi hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn xã sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chương trình khuyến công quốc gia ý nghĩa này, để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh, mở rộng thị trường, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.

Đối với hoạt động khuyến công địa phương, đã có nhiều cơ sở sản xuất, HTX, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để đầu tư cơ sở chế biến nông sản và cũng đã cho hiệu quả đáng ghi nhận, như: Công ty TNHH Ngọc Khánh VT, TP Móng Cái; cơ sở chế biến chè, xã Quảng Long, huyện Hải Hà; cơ sở nước đóng chai Bạch Vân, huyện Đầm Hà; HTX Thái An (Móng Cái)…


Hỗ trợ máy móc thiết bị trong bảo quản thủy sản đông lạnh cho Công ty TNHH Ngọc Khánh VT.

Bà Phạm Thị Nga, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Khánh VT, TP Móng Cái, cho biết: Là một doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng thủy sản với mặt hàng ghẹ lột, năm 2023, chúng tôi đã nhận được nguồn hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương. Với sự hỗ trợ này, chúng tôi đã chủ động mua sắm thêm hệ thống tủ đông lạnh để bảo quản được hàng hóa trong quá trình sản xuất. So với trước đây, tủ đông lạnh có khả năng trữ đông lớn hơn, gấp nhiều lần so với trữ đông bằng tủ nhỏ thông thường. Một khoang tủ đông lạnh có thể chứa khoảng 2-3 tấn hàng. Điều này giúp cho chúng tôi yên tâm sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, mới đây, đơn vị đã đón tiếp một số thương lái Trung Quốc tham quan, tìm hiểu tại cơ sở, sau khi tham quan cơ sở sản xuất, khu vực bảo quản hàng hóa, chúng tôi đã nhận được lời đề nghị hợp tác từ phía bạn.

Đặc biệt, trong năm 2023, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương Quảng Ninh cũng đã tiếp tục thực hiện thành công các hoạt động tư vấn sản xuất, định hướng đầu tư máy móc cho nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đây được coi là một trong những hoạt động quan trọng góp phần mang lại hiệu quả cho hoạt động khuyến công.

Ông Vũ Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển Công Thương Quảng Ninh, cho biết:Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện nghiệm thu các đề án để báo cáo và thực hiện xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến công năm 2024. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình khuyến công địa phương tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các nhóm ngành có tiềm năng, thế mạnh và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo chuỗi giá trị của sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tác Giả: Minh Đức

Nguồn Tin: TTXTVPTCT