Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh đã có nhiều bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, qua đó có những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Để có được kết quả đó, bên cạnh sự chủ động, tích cực, nỗ lực vươn lên của chính doanh nghiệp, yếu tố quan trọng nữa là sự vào cuộc tích cực của tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2023 có đến hơn 1.600 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, 249 doanh nghiệp giải thể. Số lượng đơn vị đăng ký tạm ngừng kinh doanh cũng như giải thể tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; các doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa (gần 98% số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa) với trình độ công nghệ thấp, vốn mỏng, chưa có nhiều tích luỹ, kỹ năng quản trị còn yếu, hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết…
Nhận thức được vấn đề cốt lõi trong việc phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp phải đến từ việc nâng cao được năng lực, chất lượng điều hành và khả năng sản xuất kinh doanh, thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã triển khai rất nhiều giải pháp để đồng hành, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, nội dung quan trọng hàng đầu là hỗ trợ sự ổn định, phát triển của các doanh nghiệp và công tác hỗ trợ tiếp cận tín dụng.
Theo đó năm qua, Ngân hàng nhà nước – Chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên; đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; phát triển mạng lưới; tăng cường hoạt động truyền thông cơ chế, chính sách cho vay, giáo dục tài chính…
Với 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2 điểm %, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đến hết năm 2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 177.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với thời điểm năm 2022. Vốn tín dụng ngân hàng đã cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn hợp pháp, chính đáng của các thành phần kinh tế; cơ cấu đầu tư đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó, tỷ trọng dư nợ cho vay các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, nông nghiệp, nông thôn lần lượt là: 62,8%-24%-13,2%; dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh đạt hơn 137.000 tỷ đồng, trong đó, cho vay công nghiệp chế biến, chế tạo là gần 15.000 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2022.
Cùng với đó, các sở, ngành chức năng cũng tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp về thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu. Năm 2023, tỉnh đã thực hiện giảm khoảng hơn 1.700 tỷ đồng và gia hạn hơn 1.800 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Cục Thuế tỉnh cũng đã chủ trì làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh các chính sách giảm, gia hạn thuế do Quốc hội và Chính phủ ban hành giúp cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, có thêm nguồn lực tập trung sản xuất kinh doanh.
Cục Hải quan tỉnh cũng đã chủ động xây dựng các kế hoạch để triển khai các giải pháp chung, giải pháp chuyên đề/chuyên sâu theo các lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK. Trong đó quan trọng nhất là việc thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt, lắng nghe, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu thuộc thẩm quyền…
Để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng được vị thế trên thị trường bằng chính năng lực sản xuất, kinh doanh, đầu năm 2023, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; đồng thời tổ chức thành công sự kiện Kết nối cung cầu công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 và nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững trên địa bàn; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ mục đích, nhu cầu đào tạo theo nội dung đề xuất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tổ chức các hội nghị tập huấn, chương trình bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn phục vụ trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh… Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đã đạt khoảng hơn 86%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 50%. Tạo việc làm tăng thêm đạt khoảng trên 23.000 lao động; trong đó số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 1.207 người…
Nhờ nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ tích cực, năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đang từng bước được cải thiện và nâng cao. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang có 17.156 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh với vốn đăng ký đạt hơn 361.000 tỷ đồng; đóng góp vào ngân sách, tổng thu thuế, phí năm 2023 của các doanh nghiệp là hơn 28.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 82% tổng thu thuế, phí toàn tỉnh…