Trang chủ / Tin tức / Hiệu quả từ công tác Thông tin Truyền thông đối với hoạt động khuyến công

Hiệu quả từ công tác Thông tin Truyền thông đối với hoạt động khuyến công

In bài viết Chia sẻ:

Thành lập từ năm 2005 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN vẫn duy trì các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin với những phương tiện truyền tải khác nhau để phổ biến sâu rộng chính sách hoạt động khuyến công đến mọi tầng lớp xã hội trên địa bàn tỉnh, như Trang thông tin điện tử Khuyến công Quảng Ninh (khuyencongquangninh.net.vn), với trên 40.160 lượt truy cập mỗi năm; Cơ sở dữ liệu công nghiệp nông thôn; Bản tin Công Thương số lượng 1.600 bản/năm phản ánh thông tin về hoạt động Công Thương; Chuyên đề giới thiệu các hoạt động của doanh nghiệp về đầu tư sản xuất, nâng cao năng lực, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ vào sản xuất; hoạt động khuyến công; Tin tức về xúc tiến thương mại; Văn bản pháp luật mới. Đồng thời, Trung tâm phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình Quảng Ninh, Cục Công nghiệp địa phương xây dựng các chương trình truyền hình khuyến công phát trên truyền hình Quảng Ninh và VTV1, đa dạng hóa phương thức thông tin tuyên truyền để truyền tải thông tin về hoạt động khuyến công tỉnh Quảng Ninh một cách hiệu quả.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu khuyến công quốc gia, địa phương, phản ánh những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc đồng thời giới thiệu những mô hình mới, những cách làm hay trong quá trình triển khai đề án khuyến công ở các địa phương.

Ngoài ra, các chương trình còn tập trung tuyên truyền, vận động người dân phát huy tốt vai trò chủ thể của mình, cùng với kinh phí hỗ trợ của nhà nước, Doanh nghiệp tham gia đóng góp sức người, sức của để cùng triển khai đề án nhằm xóa các vùng trắng công nghiệp của Tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Xuân Ủy, Giám đốc Công ty TNHH 1TV Xuân Ủy- phường Quang Trung, thành phố Uông Bí cho biết: Năm 2013 tôi được mời đến Trung tâm bảo vệ đề án trước Hội đồng thẩm định đề án khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn Sở Công Thương, Khi Hội đồng thẩm định kết luận công ty tôi được hưởng hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương năm 2013 là 80 triệu đồng cho hạng mục hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị để mở rộng xưởng sản xuất, phụ tùng lắp ráp và sửa chữa máy cơ khí phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp. Khi đó tôi mới nhận thấy doanh nghiệp thực sự được tiếp cận và hiểu rõ chính sách ưu đãi của Tỉnh về khuyến công ”.

Theo bà Hoàng Thị Hiền, Phó trưởng phòng Kinh tế Tp Uông Bí: Qua Trang thông tin điện tử Khuyến công Quảng Ninh cũng như các trang tin của Bản tin Công Thương Quảng Ninh phải nói rằng đây là hoạt động hỗ trợ cho địa phương về công tác tuyên truyền hết sức thiết thực. Công tác tuyên truyền này đã góp phần cho địa phương trong công tác vận động doanh nghiệp công nghiệp nông thôn đầu tư có nhiều thuận lợi, tạo sự đồng thuận trong hoạt động khuyến công rất cao. Trên cơ sở đó Doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng và  góp vốn đầu tư triển khai đề án. Năm 2013, Công ty cổ phần Chế biến Lâm sản Quảng Ninh tại Phường Nam Khê, thành phố Uông Bí thực hiện đề án khuyến công Quốc gia với kinh phí khuyến công hỗ trợ là 250 triệu đồng (tại Quyết định số 1186/QĐ-BCT ngày 27/2/2013của Bộ Công Thương). Đây là doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh được hỗ trợ nguồn kinh phí cao nhất từ trước đến nay.

Để thực hiện ngày càng hiệu quả hơn công tác thông tin tuyên truyền, Phòng Khoa học Thông tin truyền thông thuộc Trung tâm coi những nhiệm vụ tuyên truyền là một trong nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mục tiêu hoạt động khuyến công:

Thứ nhất, thông qua hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin giúp cộng đồng xã hội nhận thức rõ nét hơn vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển CNNT trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới;

Thứ hai, giúp các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hiểu rõ về các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phát triển CNNT; qua đó động viên, huy động các nguồn lực trong toàn xã hội tham gia vào đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn nông thôn;

Thứ ba, thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền về khuyến công, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, cơ sở CNNT hiểu được những đối tượng, ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công, những nội dung hoạt động khuyến công;  từ đó, cơ sở CNNT chủ động tiếp cận với nguồn hỗ trợ của nhà nước để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian tới, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, công tác thông tin tuyên truyền cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa, đặc biệt từ khâu xây dựng kế hoạch, lập đề án phục vụ cung cấp thông tin tuyên truyền. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì hoạt động của Trang thông tin điện tử, Bản tin Công Thương. Trung tâm tăng cường các kỳ phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ninh; Tập huấn về hoạt động khuyến công; Tờ rơi đến các cộng tác viên khuyến công,….. bằng nguồn kinh phí Tỉnh cấp. Qua đó, xây dựng hệ thống thông tin tuyên truyền khuyến công hiệu quả và rộng khắp, góp phần truyền tải những chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung của nhà nước đến từng doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, nhà đầu tư và người dân, động viên các nguồn lực trong toàn xã hội tham gia phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015.

Tác Giả: Phạm Thị Thu Hiền

Nguồn Tin: TTXTVPTCT