Bộ Công Thương phát động tổ chức Giờ Trái đấtBắc Giang tiết kiệm được khoảng 8.500 kWh trong Giờ Trái đất 2024Bình Định: Triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất 2024 |
Vào ngày 8/3 tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lễ phát động “Toàn dân tiết kiệm năng lượng hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2025” và Giải chạy hưởng ứng “Toàn dân tiết kiệm năng lượng hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2025″ (Chương trình) với thông điệp “Chuyển dịch xanh – Tương lai xanh”.
![]() |
Giải chạy hưởng ứng Giờ Trái đất 2024 do Bộ Công Thương tổ chức |
Năm 2025, với thông điệp “Chuyển dịch xanh – Tương lai xanh”, Bộ Công Thương mong muốn phát động một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng, không chỉ đơn thuần là kêu gọi toàn dân tiết kiệm điện, mà rộng hơn, cao hơn, bao gồm cả các hoạt động sản xuất năng lượng bền vững, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng các sản phẩm, trang thiết bị có hiệu quả năng lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cả về khía cạnh kinh tế và môi trường.
Thực hiện Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023- 2025 và các năm tiếp theo, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tuyền truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng vì sự phát triển bền vững.
![]() |
Trong 15 năm qua, sự kiện Giờ Trái đất trở thành sự kiện thường niên đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội trong việc sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả |
Đặc biệt, đối với sự kiện Giờ Trái đất tại Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng về nhận thức về biến đổi khí hậu cũng như những hành động cụ thể của các tầng lớp nhân dân trên cả nước về tiết kiệm năng lượng. Các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất đã trở thành sự kiện thường niên, với sự tham gia của các cấp chính quyền và cộng đồng trên cả nước.
Sau Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế để hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, một trong những giải pháp trọng tâm được đưa ra đó là chuyển dịch năng lượng theo hướng sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Theo đó, chuyển dịch xanh, trước hết là chuyển dịch năng lượng ở cả bên cung (như phát triển mạnh các nguồn năng lượng phi hóa thạch) và bên cầu (như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả) là những giải pháp hàng đầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện nhanh nhất mục tiêu trung hòa các bon.
Sau lễ phát động là chuỗi sự kiện được triển khai với thông điệp “Chuyển dịch xanh- Tương lai xanh” nhằm kêu gọi toàn dân hưởng ứng tiết kiệm năng lượng thông qua các hoạt động cụ thể, không chỉ là tắt điện và các thiết bị điện không cần thiết vào giờ trái đất mỗi năm, mà nhiều hoạt động khác, xuyên suốt, liên tục trong các hoạt động kinh tế, đời sống và hơn thế nữa thành chuỗi các hoạt động “chuyển dịch xanh” để hướng tới một “tương lai xanh” hơn, bền vững hơn.