Theo các doanh nghiệp, khu công nghiệp đang gặp khó khăn khi các chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà hiện nay chưa rõ ràng. Chi phí đầu tư nhiều mà lợi nhuận thì không.
Nhiều doanh nghiệp lắp đặt chỉ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu
Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (TP Hải Phòng) đang trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng điện tái tạo. Là chủ đầu tư khu công nghiệp này, bà Trần Tố Loan – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ – cho biết, trong những năm gần đây, câu hỏi được nhà đầu tư nước ngoài đặt ra nhiều khi lựa chọn xuống tiền là có đủ điện để đáp ứng sản xuất hay không?
“Bản thân khi xây dựng mô hình phát triển bền vững, khu công nghiệp đã làm việc với nhiều đối tác chuyên cung cấp điện mặt trời áp mái, nhiều vấn đề về tài chính đã được khắc phục. Tuy nhiên lại vướng mắc nhiều ở cơ chế chính sách khiến việc triển khai rất chậm” – bà Loan nói.
Nổi lên trong đó là việc thu mua và phân bổ lượng điện mặt trời mái nhà giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Nếu chỉ dừng lại ở tự sản tự tiêu trong một doanh nghiệp đơn thuần thì sẽ lãng phí tài nguyên. Một số đơn vị có hệ thống kho rất lớn, sở hữu nhiều mái nhà nhưng lại dùng rất ít năng lượng. Còn số khác trong lĩnh vực công nghiệp nặng thì lại dùng rất nhiều năng lượng. Do đó, việc phân bổ năng lượng hài hòa sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản của khu công nghiệp.
Còn tại tỉnh Nam Định hiện có 6 khu công nghiệp lớn nhưng theo ông Nguyễn Vũ Chiên – Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định, mới chỉ có một số nhà máy nhỏ áp dụng điện mặt trời mái nhà để đáp ứng tiêu chí xuất khẩu xanh.
“Quy định ghi rõ các công ty điện lực trong vùng tạm dừng thỏa thuận đấu nối với các dự án điện mặt trời mái nhà với điện lưới quốc gia. Về chi phí, để đầu tư 1MW điện mặt trời mái nhà sẽ cần khoảng 13 tỉ đồng, trong khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về đầu tư trong năng lượng tái tạo.
Vì vậy, lợi nhuận so với chi phí đầu tư là không đáng kể. Một số nhà máy ở Nam Định đang làm chỉ vì áp lực đáp ứng các tiêu chí xanh trong xuất khẩu, thậm chí chấp nhận lỗ để xuất khẩu được” – ông Chiên chỉ rõ thực tế đang diễn ra.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam – nhấn mạnh, nếu chưa cho phép doanh nghiệp phát ngược lại nguồn điện lên lưới quốc gia thì cần cho phép họ mua bán lẫn nhau trong cùng một khu công nghiệp, thậm chí các khu công nghiệp lân cận với nhau. Còn nếu không dùng được nguồn điện năng lượng tái tạo thì có thể mua tín chỉ carbon.
Cần làm rõ khái niệm điện tự sản tự tiêu
Theo ông Trần Viết Nguyên – Phó ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thống kê toàn quốc hiện có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, nhưng còn gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt trong vận hành khi tỉ lệ năng lượng tái tạo thâm nhập nhiều.
“Khoảng 90 – 95% điện năng lượng mặt trời mái nhà chưa khai thác hết. Về công tác quản lý và sửa đổi chính sách, đã sang năm thứ 4 mà vẫn chưa ban hành chính sách cụ thể cho phát triển năng lượng điện mặt trời mái nhà. Khái niệm điện tự sản tự tiêu cần được đề cập trong luật sửa đổi để giải thích cho rõ về phạm vi, quy mô, mở rộng thêm đối tượng. Dự kiến cơ chế trong thời gian tới vẫn cho doanh nghiệp bán lên lưới nhưng chi phí bao nhiêu sẽ bàn luận sau, trước mắt để là 0 đồng” – ông Nguyên nêu rõ.