Chủ động đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang dần trở thành xu thế tất yếu của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Đây không chỉ là động lực then chốt để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, cuộc “cách mạng” 3 hóa (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) trong sản xuất và kinh doanh than đã được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) quyết liệt triển khai, mang lại hiệu quả to lớn. Sau những nỗ lực tìm kiếm công nghệ phù hợp với điều kiện địa chất, TKV đã từng bước thay thế các lò chợ chống gỗ, khấu buồng thủ công, kém an toàn, năng suất thấp bằng những giàn chống thủy lực hiện đại, liên hoàn, đồng bộ, năng suất cao. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm vào năm 2015, đến nay, TKV đã nhân rộng 11 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại 8 đơn vị, như: Than Hà Lầm, Than Vàng Danh, Than Khe Chàm, Than Núi Béo, Than Mông Dương, Than Dương Huy, Than Quang Hanh và Than Uông Bí.
“Các lò chợ cơ giới hóa đều cho năng suất lao động tăng từ 2-5 lần so với lò chợ khấu chống bằng công nghệ cũ. Bình quân mỗi năm sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa đạt từ 11-14% tổng sản lượng than hầm lò. Suất tiêu hao gỗ chống lò trong các lò chợ này giảm từ 50m3/1.000 tấn than xuống 14m3/1.000 tấn than, góp phần đáng kể trong công tác bảo vệ môi trường” – ông Đỗ Mạnh Cường, Trưởng ban Kỹ thuật – Công nghệ mỏ TKV cho biết.
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện để sản xuất gạch không nung đang là hướng đi mang lại hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp.
Năm 2017, nhận thấy việc tận thu tro, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng không những tiết kiệm được nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường, mà còn có cường độ chịu lực cao, khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm tốt…, Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền (TX Đông Triều) đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung từ nguồn nguyên liệu này.
Với sản lượng trên 60 triệu viên gạch quy tiêu chuẩn/năm, việc áp dụng dây chuyền sản xuất từ vật liệu không nung của doanh nghiệp này đã tiết kiệm trên 200.000m3 đất sét và hàng vạn tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất. “Hiện nay, các sản phẩm gạch xây, ngói lợp sản xuất từ xỉ và tro bay nhà máy điện của Công ty đã từng bước tạo được chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng đánh giá tốt. Đây là động lực để doanh nghiệp đầu tư thêm các dây chuyền, công nghệ sản xuất mới, thân thiện hơn với môi trường” – ông Vũ Thanh Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền cho biết.
Tái sử dụng các loại đất đá thải mỏ để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cát nhân tạo cũng là một hướng đi mới, đáng khích lệ của Công ty CP Thiên Nam (TP Cẩm Phả). Nhận thấy những bãi thải đất đá của ngành than có đến 42% tỷ lệ đá cát kết có thể thu hồi để tái chế thành vật liệu xây dựng, vật liệu san nền, từ năm 2016, Công ty CP Thiên Nam đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền xử lý đá cát kết thành cát nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam, đặt tại TP Cẩm Phả – nơi mà hàng năm lượng đất đá từ các mỏ thải ra khoảng 32-36 triệu tấn và phải tốn rất nhiều chi phí cho việc xử lý thải.
Ông Vũ Đình Kiên – Giám đốc Công ty CP Thiên Nam cho biết: Từ 2016-2020, Công ty đã đầu tư 9 dây chuyền sản xuất cát nghiền nhân tạo, công suất 550 tấn/giờ/dây chuyền. Từ những dây chuyền này, Công ty đã sản xuất ra nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng mới (cát cho bê tông, cát cho vữa xây và lớp bây nền đường) ứng dụng trong các công trình xây dựng dân dụng và các công trình giao thông. Để làm sạch hạt cát, doanh nghiệp đã sáng tạo và đặt hàng đơn vị tại Việt Nam chế tạo sàng quay đưa vào hoạt động trong dây chuyền. Dưới áp lực nước và cơ chế hoạt động của sàng quay như một chiếc lồng giặt, bùn sét lẫn trong đá thải đã được rửa, hàm lượng chỉ còn 0,96%, thấp hơn rất nhiều so với quy định, đảm bảo độ sạch của cát thành phẩm.
Theo các chuyên gia xây dựng, cát nhân tạo có những tính chất đặc biệt như: Hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau. Loại cát nhân tạo cũng cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.
Nỗ lực tìm kiếm và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh đã mang lại lợi ích kép cho các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ là câu chuyện về lợi ích kinh tế, sự chủ động đổi mới của các doanh nghiệp còn góp phần khẳng định được uy tín và năng lực cạnh tranh trên thương trường; từ đó đảm bảo tính bền vững cho các doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh cũng rất quan tâm và ngày càng có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh.