Trang chủ / Tin tức / Tiết kiệm năng lượng / Điện mặt trời mái nhà, nguồn năng lượng sạch cần được tiếp tục quan tâm, khuyến kích phát triển

Điện mặt trời mái nhà, nguồn năng lượng sạch cần được tiếp tục quan tâm, khuyến kích phát triển

In bài viết Chia sẻ:

Một trong những nguồn năng lượng tái tạo gần gũi, thuận lợi trong việc đầu tư, phát triển đối với các hộ gia đình đó là Điện năng lượng mặt trời; đây là nguồn năng lượng sạch không chỉ giúp người sử dụng tiết kiệm, bảo vệ môi trường mà các chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời khi có lượng điện dư thừa có thể bán lại vào lưới điện của ngành điện.

 Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích các hộ dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (PV) để sử dụng và có thể bán lại phần điện dư thừa cho ngành điện; chủ trương đó được thể hiện tại các quyết định số số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 và quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019). Đây là cú hích về giá mua điện để điện mặt trời phát triển mạnh.

Việc lắp tấm pin năng lượng mặt trời lên mái nhà giúp chống nóng cho ngôi nhà, đồng thời còn giúp ngành điện giảm bớt gánh nặng tài chính trong việc đầu tư, phát triển nguồn điện lưới quốc gia.

Đến thời điểm 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đạt khoảng 19.400 MWp tương ứng khoảng 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện lưới quốc gia (trong đó gần 10.000 MWp điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia).

Theo số liệu thống kê, toàn bộ sản lượng điện phát ra từ hệ thống điện mặt trời trên toàn quốc trong năm 2020 là 10,6 tỷ kWh (trong đó riêng điện mặt trời mái nhà là 1,16 tỷ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà (PV) không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sử dụng điện của hộ gia đình; việc lắp tấm pin năng lượng mặt trời lên mái nhà còn giúp chống nóng cho ngôi nhà vào những ngày nắng nóng. Mặt khác, mỗi hộ gia đình sử dụng điện mặt trời mái nhà còn góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính, giúp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà nối lưới còn giúp ngành điện giảm bớt gánh nặng tài chính trong việc đầu tư, phát triển nguồn điện lưới quốc gia.

Theo thông báo số 156/EVN-KD+TCKT ngày 10/01/2022 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) về thông báo giá mua điện mặt trời mái nhà năm 2022 cho các công trình được thực hiện trước ngày 31/12/2020 như sau:

– Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có ngày vận hành thương mại từ 01/6/2017 đến 30/6/2019: giá mua điện mặt trời của EVN trong năm 2022 là 2.164 VNĐ/kWh ( năm 2021 là 2.162 VNĐ/kWh) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (tương đương 9,35 UScents/kWh).

– Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có ngày vận hành thương mại từ 01/7/2019 đến 31/12/2020: giá mua điện mặt trời của EVN trong năm 2022 là 1.939 VNĐ/kWh (năm 2021 là 1.938 VNĐ/kWh) chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (tương đương 8,38 Uscents/kWh).

Hồ sơ để có thể sử dụng và bán điện năng lượng mặt trời cho ngành điện, chủ đầu tư phải đảm bảo các yếu tố về chất lượng cũng như công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng yêu cầu của bên ngành điện kèm theo đó là hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà với ngành điện.

Tuy nhiên, sau khi giá FIT theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020, dẫn đến việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới hoàn toàn dừng hẳn, với lý do là chưa có giá mua điện mặt trời thay thế Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Mặt khác, ngay từ đầu năm 2021 đến nay, nguồn điện năng lượng mặt trời liên tục phải đối mặt với việc giảm phát, trong đó có điện mặt trời mái nhà, với lý do là lúc điện mặt trời phát công suất tối đa (Max) vào giờ trưa từ 10h00 – 14h00 thì lại rơi vào thời điểm nhu cầu phụ tải toàn hệ thống điện xuống thấp mà hiện nay hệ thống lưới điện của chúng ta chưa có các giải pháp lưu trữ điện năng dư thừa. Đồng thời, những dự án điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà đưa vào vận hành sau ngày 31/1/2/2020 hiện không được ngành điện ký hợp đồng mua điện vì chưa có giá mua điện mới sau khi quyết định 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực.

Việc khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà để bổ sung nguồn năng lượng sạch cho ngành điện là chủ trương hoàn toàn đúng, trúng! Tuy nhiên, do hệ thống điện mặt trời phát triển quá nhanh về công suất, trong khi hạ tầng truyền tải lưới điện không theo kịp dẫn đến tình trạng quá tải công suất, dẫn đến việc phải giảm sản lượng điện huy động. Điều này vừa thiệt thòi cho nhà đầu tư, vừa lãng phí nguồn năng lượng thu được.

Rõ ràng đến nay việc phát triển điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà chưa thể tiếp tục được sau ngày 31/12/2020. Trong khi nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà của hộ gia đình hiện nay là rất lớn, giá thành lắp đặt ngày càng giảm nhưng không thể triển khai đầu tư được.

Ngoài ra đầu năm 2022, Công ty Điện lực địa phương đã yêu cầu các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà phải đăng ký kinh doanh, bổ sung ngành nghề kinh doanh bán điện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, yêu cầu phải bổ sung ngành nghề kinh doanh bán điện đối với các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà không kể quy mô lớn bé đã gây ra sự nghi ngại, gây khó dễ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của các hộ gia đình. Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà (sản xuất điện đến 01MW) không thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điện mặt trời mái nhà (sản xuất điện đến 01MW) là trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 09 tháng 9 năm 2020 của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực. Thông tư nêu rõ 4 trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, trong đó có trường hợp ii) phát điện có công suất lắp đặt đến 01MW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Và đến thời điểm này, cuối năm 2022 Điện lực địa phương tiếp tục có văn bản yêu cầu chủ đầu tư gửi các hồ sơ liên quan về đảm bảo an toàn công trình xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà theo quy định của pháp luật hiện hành về Điện lực địa phương sau khi làm việc với cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương để có kết luận cụ thể về đã đảm bảo an toàn công trình xây dựng. Như vậy, trình tự, thủ tục để đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa có quy định, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, thuận tiện để hộ dân có thể yên tâm đầu tư.

Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà đối với hộ gia đình sẽ góp phần làm giảm chi phí trả tiền điện tiêu dùng hàng tháng của hộ dùng điện, mái nhà sẽ mát hơn khi có tấm pin năng lượng mặt trời áp trên mái, phần năng lượng dư thừa phát lên lưới giúp cho hộ dùng điện có thêm nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.

Việc đầu tư điện mặt trời mái nhà đối với các hộ gia đình không quá lớn, chi phí đầu tư từ khoảng 50 triệu đến 200 triệu đồng có thể lắp đặt được công suất từ 3 kWp đến 15 kWp và trong vòng từ 5 đến 7 năm sẽ hoàn vốn đầu tư với điều kiện giá bán điện cho ngành điện hợp lý. Do đó, khi có nhiều hộ gia đình đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ tạo cho hệ thống nguồn điện lưới giảm bớt áp lực đầu tư, truyền tải. Như vậy, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà nối lưới thì hộ gia đình và ngành điện hai bên đều có lợi.

Khi ngành điện mua điện từ điện mặt trời mái nhà với giá mua hợp lý, ổn định, các hộ gia đình đầu tư điện mặt trời mái nhà và ngành điện đều có lợi; chắc chắn điện mặt trời mái nhà sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển trong thời gian tới. Và như vậy việc phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng mới với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050 (COP26) chúng ta mới có thể thực hiện được.

Tác Giả: Trần Mai Anh

Nguồn Tin: TTXTVPTCT