Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) tổ chức ngày 22/6, tại TP Hồ Chí Minh. Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI Võ Tân Thành cho rằng, việc phát triển điện mặt trời mái nhà giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn điện, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi giá năng lượng đang tăng rất cao và nguy cơ có thể thiếu điện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, “sản xuất xanh” cũng là xu hướng mà thế giới đang hướng tới, nhất là trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may…Do đó, việc sử dụng điện mặt trời sẽ giúp thúc đẩy sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại mà cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà cung ứng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà đang gặp vướng mắc về Giấy phép, phòng cháy chữa cháy… dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến đã chỉ ra một số lợi ích mà mô hình điện mặt trời mái nhà mang lại: Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; Góp phần huy động được các nguồn vốn ngoài Nhà nước để thực hiện cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP26 về việc giảm dần việc sử dụng nguồn điện phát thải lớn như điện than, và dần chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo; giúp doanh nghiệp có cơ hôi chuyển đổi xanh…
Ông Phan Công Tiến cho rằng, mô hình này cần được Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích mạnh mẽ và thủ tục thông thoáng để phát triển, nhằm góp phần giải quyết an ninh năng lượng cho mỗi doanh nghiệp và an ninh năng lượng cho đất nước.
Giám đốc phát triển kinh doanh CME Solar – ông Trần Ngọc Long cho biết, để triển khai điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp có 2 hướng: tự đầu tư và kêu gọi nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp có dòng tiền nhàn rỗi lớn, thì có thể tự đầu tư. Nếu không, không nên đi vay tiền để đầu tư.
Ông Long khuyên doanh nghiệp nên để những nhà đầu tư về năng lượng tái tạo cung cấp cho doanh nghiệp, không nên tự làm vì tốn thời gian và nhiều rủi ro. Hiện nay trên thị trường Việt Nam cũng có khá nhiều nhà đầu tư, nhiều nhà phát triển điện mặt trời lớn, có tên tuổi từ Anh, Đức, Úc,… để các doanh nghiệp lựa chọn để cộng tác.
Theo ông Đào Du Dương – Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, điện mặt trời mái nhà phát triển nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc. Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất, Chính phủ cần ban hành chính sách một cách nhất quán, sát với thực tế và có tính ổn định, dài lâu…