Là một doanh nghiệp có hơn 61% lao động là thương binh và người khuyết tật, Công ty CP Thương Binh Đoàn Kết Cẩm Phả được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tỉnh công nhận là đơn vị sản xuất kinh doanh (SXKD) của người tàn tật. Song bằng nghị lực truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ tự vươn lên trong cuộc sống đời thường, bên cạnh đó nhờ lấy chữ tín làm đầu và được cả nghĩa tình của cộng đồng cũng như xã hội quan tâm ưu ái, Công ty ngày càng “ăn nên làm ra”, không chỉ có số cổ đông tăng lên, mà cả mặt hàng sản phẩm cũng đa dạng hơn, đạt chất lượng cao hơn. Năm 2009, Công ty đã được các chỉ tiêu kế hoạch (SXKD) và các nghĩa vụ với Nhà nước trước thời hạn 16 ngày . Tổng doanh thu đạt 23,764 tỷ đồng bằng 110% kế hoạch, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 50 triệu đồng và thuế GTGT 2,100 tỷ đồng. Thu nhập bình quân chung mỗi người 1,600 – 1,800 triệu đồng/tháng; riêng người khuyết tật 400.000đ – 800.000đ/tháng. Ngoài thực hiện nhiệm vụ SXKD, Công ty còn tổ chức 4 lớp dạy các nghề vi tính, làm hoa, và làm hương thơm miễn học phí¬ cho 73 người tàn tật hoặc bị nhiễm chất độc màu da cam. Các mặt đời sống từng bước được cải thiện. Vào các ngày lễ tết lớn của dân tộc, ngày Thương binh liệt sĩ, ngày Người khuyết tật Việt Nam, Công ty đều có quà tặng cho người lao động hoặc cho những người thuộc diện chính sách. Công ty đề xuất, đã được Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Tỉnh quan tâm tặng cho 9 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong đơn vị mỗi người 01 chiếc xe đạp. Đặc biệt nhân kỷ niệm 5 năm thành lập (4/2004 – 4/2009) Quỹ khuyến công tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ 40 triệu đồng để Công ty có thêm kinh phí đào tạo nghề cho những người khuyết tật. Công ty còn tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ nội bộ, hoặc giao lưu với các đơn vị bạn thu hút nhiều thương binh, người khuyết tật trong đơn vị tham gia và đã tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong nhiều người đến xem. Ngoài sự đồng thuận và đồng tâm cùng xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, trong “mái ấm” Thương binh Đoàn kết Cẩm Phả còn có một điều đáng ghi nhận, đó là sự đồng cảm và mối giao hảo sâu sắc của mọi người ở đây đối với những người khuyết tật cùng trong đơn vị. Ai cũng xem và đối xử với những người khuyết tật như người thân trong gia đình. Nên, khi lãnh đạo Công ty đưa ra chủ trương tổ chức cho người khuyết tật được ăn bữa cơm công nghiệp với mức 10.000đ/suất để bàn bạc, mọi người đều tán thành vui vẻ. Từ đó hàng ngày , mọi người đều quây quần sum họp bên mâm cơm giữa ca ấm cúng như trong gia đình. Không chỉ khi bản thân người khuyết tật bị ốm đau được thăm hỏi động viên, mà cả lúc cha hoặc mẹ những người này về với “tổ tiên” đều được cán bộ Công ty đến phúng viếng, tiễn đưa chu đáo. Có lần vào cuối giờ làm việc, mọi người trong cơ quan đã về nghỉ, khi phát hiện thấy 5 người khuyết tật bị đau do lên cơn co giật. Tuy tuổi cao lại là một bệnh binh, nhưng Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Sắc vẫn tự lần lượt vừa bế từng người lên xe taxi kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu, vừa gọi điện thông báo cho thân nhân của họ đến chăm sóc. Việc làm này, đã tạo cho những người khuyết tật và cả thân nhân của họ đều cảm động, tăng thêm sự kinh trọng và niềm tin vào “mái ấm” nơi họ đang gắn bó làm việc. Tại phân xưởng làm hương thơm, chúng tôi thấy có những người khuyết tật đang làm việc xen kẽ cùng với mọi người trong tổ. Ở đây có 12 người, trong đó 50% là người khuyết tật với nhiều loại chứng tật khác nhau. Do bệnh tật, có người không còn ý thức tự động, mà chỉ biết ai bảo làm gì thì làm việc đó. Hỏi chuyện một cô gái đang bê những khay gỗ đựng hương bằng tay trái, cô cho biết tên mình là Nguyễn Kim Thanh, sinh năm 1984, ở tổ 33 Khu Đông Hải II, thuộc phường Cẩm Đông. Thanh là con út của một gia đình nghèo, hiện đang ở với mẹ già. Sau một lần ốm nặng, Thanh bị liệt nửa người dẫn đến cánh tay phải không còn làm được việc. Năm 2007 cô được Công ty tiếp nhận vào đào tạo nghề may miễn phí. Sau hơn một năm học tập, do chỉ làm được việc bằng tay trái nên không thể hành nghề may được. Đang lo lắng buồn nản trước tương lai cuộc đời, thì Thanh được Công ty tiếp tục đào tạo nghề mới. Từ đầu năm 2009, Thanh trở thành thành viên trong phân xưởng làm hương thơm, mỗi tháng thu nhập từ 400.000đ – 500.000đ. Thanh rất vui, vì đã tự làm vơi được một phần gánh nặng cho người mẹ tuổi gi sức yếu. Khác với tất cả người khuyết tật đang làm việc trong Công ty, Lê Thị Dương Hoa sinh năm 1973, nhà ở tổ 3, khu I phường Cửa Ông có một hoàn cảnh khá éo le. Cô đi lại phải dựa vào đôi nạng gỗ, lại phải tự nuôi dạy đứa con trai của mình hiện đang học lớp 6 và chăm sóc người bố đẻ 76 tuổi bị bệnh hiểm nghèo từ nhiều năm nay. Năm 2007, Hoa được vào học nghề may miễn phí của Công ty. Cuối năm 2008, tốt nghiệp thành nghề. Thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của bản thân và gia đình, Hoa được Công ty trao tặng 01 máy khâu tạo điều kiện cho cô làm sản phẩm ở nhà giao nộp cho Công ty. Bình thường mỗi tháng có thể thu nhập trên dưới 1 triệu đồng. Thế nhưng, gần đây phải dành nhiều thời gian chăm sóc bố, nên sản phẩm giao nộp không được là bao. Tuy vậy, cô vẫn được lãnh đạo Công ty quan tâm. Công ty vừa bàn giao ngôi nhà “tình thương” cho gia đình Hoa trước thềm Xuân mới. Ngôi nhà cấp 4 có diện tích sử dụng 40m2với chi phí xây dựng 80 triệu đồng, bằng nguồn tiền của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Tỉnh, của UBND phường Cửa Ông, của Công ty tài trợ và sự đóng góp giúp đỡ của thân nhân gia đình. Hoa tâm sự: “Cuộc đời của cháu phải chịu nhiều đau khổ do bệnh tật. Nhưng ngoài sự đùm bọc của người thân trong gia đình, cháu đã được lãnh đạo Công ty Thương Binh Đoàn kết cưu mang. Nếu không có sự quan tâm của các bác lãnh đạo và sự sẻ chia của CBCN và trong Công ty, thì không bao giờ cháu có được như ngày hôm nay và nhờ đó mẹ con cháu không chỉ việc làm mà còn có cả nhà khang trang để ở. Mẹ con cháu thực sự đã được đổi đời. Công ơn này, mẹ con cháu xin ghi lòng tạc dạ suốt đời”. Trên đường trở về văn phòng Công ty, nghe tôi hỏi việc chuẩn bị đón Xuân Canh Dần của đơn vị, Chủ tịch HĐQT Công ty xởi lởi cho biết: Năm 2009, Công ty làm ăn đạt khá, nên việc lo túi quà Tết cho CBCNV và cũng cao hơn. Bình quân mỗi suất quà trị giá 500.000đ; người khuyết tật 300.000đ (năm trước chỉ có 200.000đ). Công ty còn chuẩn bị nhiều tiết mục văn nghệ giao lưu cùng các đơn vị bạn trong địa bàn đón mừng Xuân mới. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để sau Tết tổ chức cho CBCNV, kể cả những người khuyết tật trong đơn vị được đi du Xuân, tham quan các danh thắng ở các nơi ngoài tỉnh. Đây cũng là một việc làm mà Công ty đã thực hiện từ nhiều mùa Xuân trước.
Bài viết liên quan
- Gấp rút sửa đổi Luật Điện lực tạo đà cho phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Phát huy vai trò của đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng
- Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 để đảm bảo an ninh năng lượng
- Công ty CP Bia Hà Nội – Kim Bài: Giảm chi phí nhờ tiết kiệm năng lượng
- Hơn 11.300 người lao động ngành điện miền Trung thi đua tiết kiệm điện
- Phát triển điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc: Từ nhu cầu tới cơ chế, chính sách