Để đảm bảo nguồn điện ổn định, các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những giải pháp sáng tạo trong việc sử dụng năng lượng điện tiết kiệm.
Đầu năm 2017, nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty CP Thanh Tuyền Group (Đông Triều) chính thức đi vào hoạt động. Đây là nhà máy đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất sản phẩm gạch không nung từ tro, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện. Toàn bộ nhà máy đều sử dụng dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Nhật Bản với hầu hết các khâu đều được cơ giới hóa. Mặc dù sản lượng của nhà máy đạt 200 triệu viên gạch song chi phí điện năng của nhà máy chỉ là 180 triệu đồng/tháng, bằng 1/20 chi phí điện năng của các nhà máy gạch khác.
Ông Vũ Thanh Tuyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Tuyền Group, cho biết: Bên cạnh việc đầu tư công nghệ tiên tiến, Công ty chú trọng thực hiện sản xuất theo từng công đoạn, từng máy móc, từng công nghệ thay vì cho hoạt động liên tục tất cả hệ thống máy móc. Đồng thời, hạn chế tối đa sản xuất vào các giờ cao điểm. Công ty còn phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn bộ công nhân lao động. Năm 2020, Công ty sẽ đầu tư thêm dây chuyền gạch xây tự động với tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng, qua đó, tiết kiệm ở mức thấp nhất điện năng tiêu thụ.
Sản lượng điện tiêu thụ tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp là rất lớn. Do đó, nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được các doanh nghiệp sản xuất than, xi măng áp dụng, như: Quy hoạch lại hệ thống cấp điện, xăng, dầu cho các phụ tải; lắp đặt biến tần khởi động mềm cho thiết bị công suất lớn; thay thế hệ thống chiếu sáng bằng bóng đèn tiết kiệm; lắp đặt hệ thống thu nhiệt thừa tận dụng để sấy sản phẩm ướt…
Điển hình là Công ty CP Than Hà Tu (TP Hạ Long). Công ty đã ban hành quy định tiết kiệm điện trong toàn đơn vị. Đồng thời, quy hoạch lại hệ thống cung cấp điện hợp lý; thay thế thiết bị điều khiển, bảo vệ phù hợp có độ tin cậy cao, bổ sung tụ bù đảm bảo hệ số Cosa; thay thế các động cơ có công suất phù hợp với phụ tải; duy trì tự động của các biến tần; lắp đặt các công tơ đo đếm điện năng cho các thiết bị tiêu thụ điện năng có công suất lớn (máy khoan xoay cầu, máy xúc EKG, máy bơm trọng tải) tại các công trường, phân xưởng phục vụ. Qua đó, 10 tháng năm 2019, đơn vị đã tiết kiệm 134.000kW điện, tương đương 204 triệu đồng. Với những giải pháp tích cực, Công ty Than Hà Tu là một trong số 5 đơn vị được trao giấy chứng nhận cơ sở sử dụng năng lượng tiết kiệm của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica). Ngoài ra, các công ty than còn đầu tư các trạm bơm vận hành ở các mỏ hầm lò; lắp đặt các thiết bị sàng tuyển tự động…, góp phần tiết kiệm điện.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đối tượng học sinh về sử dụng điện là một trong những giải pháp quan trọng tiết kiệm năng lượng. Hiện 100% các cấp học trên địa bàn tỉnh đều thực hiện lồng ghép giáo dục tiết kiệm năng lượng cho học sinh vào môn học, giờ ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ với nhiều hình thức. Bên cạnh đó, các trường còn thường xuyên tuyên truyền việc sử dụng điện tiết kiệm thông qua loa phát thanh, tờ rơi, trang mạng xã hội, cuộc thi…
Điển hình như Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Cẩm Phả), đây là một trong những trường có nhiều hoạt động bổ ích giáo dục tiết kiệm năng lượng cho học sinh. Thông qua những tiết học, đội ngũ giáo viên nhà trường đã chủ động lồng ghép giáo dục học sinh các hành vi tiết kiệm điện; thi viết văn, vẽ tranh, ngoại khóa, phát thanh măng non về “Trường học chung tay tiết kiệm điện”; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng. Đáng chú ý, nhà trường đã đưa việc thực hiện tiết kiệm năng lượng vào việc đánh giá thi đua các lớp. Nhà trường cũng xây dựng một quy chế sử dụng điện chung cho toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn trường, qua đó, góp phần rất lớn nâng cao ý thức tự giác của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ nguồn năng lượng.