Mô hình kinh doanh ESCO được cho là một trong những biện pháp tích cực giúp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ), phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây là một mô hình mới, cần có các cơ chế, chính sách thích hợp để khuyến khích phát triển. Tiềm năng và kỳ vọng Trong những năm vừa qua, thị trường lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả đã có những chuyển biến tích cực. Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 200 tổ chức/doanh nghiệp hoạt động tư vấn/dịch vụ tiết kiệm năng lượng, bao gồm các trung tâm khuyến công và phát triển công nghiệp (ngành Công Thương); trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc các sở khoa học công nghệ; các viện nghiên cứu chuyên ngành, trường đại học… Phần lớn các đơn vị này thực hiện dịch vụ kiểm toán năng lượng, đào tạo, truyền thông, tư vấn giải pháp tiết kiệm năng lượng…, không làm dịch vụ về tài chính. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau cũng đã có những hoạt động liên quan đến dịch vụ tiết kiệm năng lượng, bao gồm cả liên doanh với nước ngoài (tại TP. Hồ Chí Minh có trên 40 đơn vị). Nhóm này hoạt động bao gồm cả đầu tư, thu xếp tài chính, chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro… Nhiều doanh nghiệp đã tư vấn tiết kiệm năng lượng hiệu quả đối với điện mặt trời, cung cấp năng lượng, cung cấp thiết bị, lò hơi… Ông Nguyễn Đình Hiệp – Hội Khoa học sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, cho rằng: Dư địa tiết kiệm năng lượng của Việt Nam còn nhiều. Nếu có các giải pháp tốt, lĩnh vực năng lượng có thể tiết kiệm được khoảng trên 20%; trong đó, lĩnh vực xây dựng, tòa nhà, giao thông vận tải có thể tiết kiệm từ 25-35% năng lượng; khu vực sinh hoạt và dịch vụ tiết kiệm được khoảng từ 15-30%… Hiện nay, một trong những mô hình kinh doanh có thể phát huy tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, đó là ESCO. Đây là mô hình kinh doanh thực hiện trọn gói dịch vụ năng lượng, bao gồm tư vấn các giải pháp tiết kiệm năng lượng, lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì, tối ưu hóa, đóng góp tài chính, bảo đảm với khách hàng về chi phí đầu tư, kết quả tiết kiệm năng lượng, chịu rủi ro trong đầu tư, quản lý và bảo hành thiết bị trong cả thời gian cung cấp dịch vụ. Các lĩnh vực có tiềm năng cho ESCO phát triển là chiếu sáng công cộng; tòa nhà thương mại và dịch vụ; sản xuất công nghiệp; hệ thống phân phối điện; năng lượng tái tạo… Mô hình kinh doanh này nếu triển khai tốt sẽ đem lại hiệu quả to lớn thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ, tiếp cận các giải pháp tăng trưởng xanh, giúp doanh nghiệp có điều kiện tham gia các chương trình/dự án quốc gia và quốc tế về sử dụng năng lượng TK&HQ, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Cần chính sách khuyến khích Chủ trương sử dụng năng lượng TK&HQ đã được thể chế hóa bằng Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ. Một số cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng đã được ban hành trong các văn bản dưới luật. Trong đó, Nhà nước đã có những ưu đãi và hỗ trợ đối với các dự án đầu tư sản xuất phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng được hỗ trợ theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư và ưu đãi đầu tư; hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo và kiểm toán năng lượng thông qua ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; miễn giảm thuế nhập khẩu đối với phương tiện, thiết bị, phụ tùng, linh kiện tiết kiệm năng lượng mà trong nước chưa sản xuất được; hỗ trợ một phần kinh phí từ các chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng TK&HQ đối với cơ sở sử dụng năng lượng thực hiện kiểm toán năng lượng… Tuy nhiên, ESCO là một mô hình kinh doanh còn mới mẻ đối với Việt Nam, việc phát triển sẽ còn nhiều rào cản và khó khăn kể cả về yếu tố chuyên môn cũng như cơ chế, chính sách. Chẳng hạn về yếu tố chuyên môn, để hình thành một công ty hoạt động theo mô hình ESCO đòi hỏi phải bảo đảm có đủ năng lực về tư vấn, tài chính, thiết lập được mạng lưới cung cấp công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng; cần có sự tin tưởng của khách hàng… Ở góc độ thể chế, khung pháp lý về điều kiện kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ liên quan đến ESCO chưa có hoặc chưa đủ. Vẫn thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng; chưa có nhiều quỹ/tổ chức tài chính tham gia vào hoạt động ESCO; chưa có qui định bắt buộc về việc đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng thuộc sở hữu nhà nước không có quyền tự chủ… Để thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ, ông Nguyễn Đình Hiệp cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho tổ chức/doanh nghiệp hoạt động ESCO. Trong đó, cần chi tiết hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh (đầu tư thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng, cho thuê hạ tầng, cung cấp năng lương, thu xếp vốn, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn…); cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn các hợp đồng mẫu… cho việc thực hiện ESCO. Đồng thời, xem xét có cơ chế tài chính bền vững thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng như cho vay lãi suất thấp, gây quỹ, quỹ bảo lãnh; xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp – Công ty ESCO và các tổ chức tín dụng. Trao quyền tự chủ về tài chính cho các tổ chức tư vấn/dịch vụ tiết kiệm năng lượng tại địa phương; xây dựng cơ chế phân bổ nguồn lực từ các quỹ đầu tư cho các tổ chức tư vấn/dịch vụ để đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng. Tăng cường năng lực cung cấp thông tin/đào tạo cho các tổ chức tài chính về cách thức và cấp vốn cho hoạt động của ESCO. |
Bài viết liên quan
- Gấp rút sửa đổi Luật Điện lực tạo đà cho phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Phát huy vai trò của đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng
- Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 để đảm bảo an ninh năng lượng
- Công ty CP Bia Hà Nội – Kim Bài: Giảm chi phí nhờ tiết kiệm năng lượng
- Hơn 11.300 người lao động ngành điện miền Trung thi đua tiết kiệm điện
- Phát triển điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc: Từ nhu cầu tới cơ chế, chính sách