Tiết kiệm năng lượng trong mọi khâu khai thác, vận chuyển, chuyển hóa và tiêu dùng năng lượng luôn được coi như giải pháp đầu tư rẻ nhất.
- 10 cách tiết kiệm điện hiệu quả khi dùng điều hòa, máy lạnh mùa nóng
- 12 mẹo tiết kiệm điện đơn giản và hiệu quả, được tất cả các chuyên gia khuyến nghị
- Trường Tiểu học & THCS Thống Nhất: Nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả
- Tập huấn nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp
Thông tin được đưa ra tại hội thảo quốc tế “Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030, tầm nhìn năm 2050”, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức.
Cường độ tiêu thụ năng lượng lớn
Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030, tầm nhìn 2050”, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết: Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị nêu rõ phát triển năng lượng vừa là động lực, vừa là hạ tầng cơ sở để đẩy mạnh, phát triển kinh tế – xã hội tới năm 2030 tầm nhìn năm 2045. Nghị quyết đặt ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng 7% trong năm 2020 và lên tới khoảng 14% vào năm 2045.
“Hiện nay Việt Nam là nước có tiêu thụ năng lượng vào loại cao và lãng phí bậc nhất thế giới. Trong đó cả hệ số đàn hồi và cả cường độ tiêu thụ năng lượng đều lớn”, ông Ngãi nói. Ví dụ trên thế giới các nước phát triển một đơn vị năng lượng sản sinh ra được 5 đến 7 đơn vị sản phẩm còn ở Việt Nam thì ngược lại 5,7 đơn vị năng lượng mới sản sinh ra được 1 đơn vị sản phẩm.
Bên cạnh đó, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2010, sau đó Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định giao cho một số ngành kinh tế triển khai thực hiện và Bộ Công Thương đã ban hành một số thông tư hướng dẫn. Trong Luật nêu khá đầy đủ các chương, các điều có ý nghĩa sâu sắc đề cập các vấn đề đối với ngành điện, ngành than, ngành dầu khí, năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó có cả các giải pháp, cơ chế chính sách để triển khai thực hiện…Tuy nhiên, đã hơn 10 năm luật có hiệu lực nhưng kết quả thực thi rất hạn chế, chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam hiện đang sử dụng công nghệ lạc hậu, chưa được thay bằng công nghệ hiện đại. Do vậy việc hoán đổi công nghệ này cần phải có kinh phí. Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách việc vay vốn cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ các cơ sở sản xuất của mình… Theo đó, ngành xi măng, hoá chất, sắt thép là những ngành tiêu hao năng lượng lớn nhưng công nghệ lạc hậu, cần phải có kế hoạch để thay thế.
3 trụ cột năng lượng cùng hành động
Đưa ra giải pháp, ông Nguyễn Anh Tuấn – nguyên Phó Viện trưởng Viện năng lượng Việt Nam nhìn nhận: Tiết kiệm năng lượng trong mọi khâu khai thác, vận chuyển, chuyển hóa và tiêu dùng năng lượng luôn được coi như giải pháp đầu tư rẻ nhất. Để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 3 thì chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và phát triển công nghệ. “Quan trọng nhất là xem xét chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghệ cao và tiêu thụ hao ít năng lượng và giảm dần các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng” – ông Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ.
Về tiềm năng tiết kiệm năng lượng trực tiếp và có hiệu quả được chỉ ra nhiều nhất ở lĩnh vực điện năng, bởi điện năng là một nhu cầu tất yếu, quan trọng không thể thiếu được trong phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, do đó độ ảnh hưởng của nó rất sâu rộng và có giá trị đặc biệt. Cụ thể, tiết kiệm từ khâu nguồn điện như: nhiên liệu, các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí, tổn thất điện năng đối với truyền tải, phân phối, điện tự dùng…
Theo EVN, thời gian qua Tập đoàn đã đề ra nhiều chương trình hành động, cụ thể năm 2030 quán triệt trong ngành điện tới địa phương và tới người dân sử dụng điện. Tiết kiệm cả nguồn nước trong các nhà máy thủy điện. EVN đã phát động lắp đặt điện mặt trời áp mái và nhiều chương trình khác để tiết kiệm năng lượng.
Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích cụ thể, tiết kiệm năng lượng còn phải tính đến tiết kiệm từ khâu đầu tư các dự án năng lượng như việc đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện từ nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện, nhiệt điện dầu, xây dựng các hầm mỏ, xây dựng các mỏ dầu, các giàn khoan, xây dựng đường dây và trạm, truyền tải và phân phối. Vốn đầu tư cho hệ thống năng lượng Việt Nam hàng năm chiếm khoảng hàng trăm tỷ USD nếu tiết kiệm 5 – 7% mỗi năm thì làm lợi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng… bổ sung vào ngân sách cho Nhà nước hoặc tái đầu tư cho ngành. “Các doanh nghiệp lớn cần giao chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng hàng năm, như các tập đoàn EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, xi măng, thép… Quá trình theo dõi, điều tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, đánh giá tổng kết việc thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, có kết luận kèm theo quyết định khen thưởng, kỷ luật”, – đại diện Hiệp hội năng lượng nhấn mạnh.
PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng nêu quan điểm: Tiết kiệm năng lượng cũng bao gồm việc đẩy mạnh phát triển NLTT. NLTT có ưu điểm lớn là không phải sử dụng các nguồn nhiên liệu phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm, đấy là điểm lợi thế lớn nhất. Nó không tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch mà giá thành sản xuất NLTT có xu hướng ngày càng giảm.
Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, rác thải, những năm vừa qua đã triển khai được một bước tích cực đặc biệt trong việc phát triển điện gió và điện mặt trời, điện mặt trời áp mái, hiện tại đã đạt được trên 5.000MW điện gió và mặt trời sản lượng điện phát ra khoảng 2,5 tỷ kWh/năm bổ sung cho hệ thống điện quốc gia.