Tốc độ đô thị hóa nhanh đã dẫn tới phát sinh ra lượng lớn phế thải xây dựng, gây nguy cơ ô nhiễm đất đai, môi trường sống xung quanh. Qua thời gian dài phân tích, nghiên cứu, Công ty CP Liên doanh Hạ Long 135 đã thử nghiệm, sản xuất thành công vật liệu xây dựng (VLXD) không nung từ tận dụng nguồn phế thải xây dựng sẵn có tại địa phương.
Đưa chúng tôi đi tham quan quy trình sản xuất VLXD không nung từ phế thải xây dựng, ông Nguyễn Thế Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên doanh Hạ Long 135 cho biết: Theo kết quả khảo sát tại tất cả các đơn vị sản xuất VLXD trên địa bàn huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long cho thấy, mỗi năm có hàng triệu tấn phế thải xây dựng: Cát, sỏi sạn, đá dăm, xỉ vôi, xỉ than, gạch vỡ, vụn bê tông… thải ra môi trường và bị bỏ phí. Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), cốt liệu từ phế thải xây dựng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu chế tạo các loại gạch Block xây, các cấu kiện bê tông thông thường. Bởi vậy, phế thải xây dựng có thể được xem là nguồn lực tài nguyên để sản xuất VLXD nhẹ, không nung, vừa tránh lãng phí tài nguyên mà còn khả năng tái sử dụng, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần dần thay thế gạch nung từ đất sét truyền thống.
Nắm rõ vấn đề cốt lõi này, Công ty CP Liên doanh Hạ Long 135 đã mạnh dạn triển khai thực hiện dự án đầu tư thu gom, tái chế phế thải xây dựng và sản xuất VLXD không nung tại mặt bằng có sẵn của đơn vị ở thôn Đồng Tâm, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ. Khởi động dự án, Công ty đã đầu tư dây chuyền tái chế phế thải xây dựng thành nguyên liệu để sản xuất các loại cốt liệu phục vụ cho xây dựng công trình, đường giao thông với công suất 244.000 tấn/năm; dây chuyền đồng bộ sản xuất gạch Block xây bê tông, công suất 30 triệu viên tiêu chuẩn/năm; trạm trộn bê tông nhẹ, công suất 20.000m3/2 ca từ nguyên liệu tái chế.
Để đảm bảo nguồn phế thải cung ứng cho hoạt động sản xuất, Công ty thu gom tất cả các phế thải xây dựng, phế thải tháo dỡ công trình của các hộ dân, đơn vị thi công công trình xây dựng cơ bản; của các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất gạch nung, vôi, đá, VLXD trên địa bàn huyện. Phế thải xây dựng sau khi thu gom được vận chuyển về bãi tập kết để phân loại, gia công sơ bộ rồi được nạp vào phễu nạp của hệ thống nghiền sàng liên hợp. Sản phẩm cuối cùng của dây chuyền này là cốt liệu có các kích thước khác nhau làm nguyên liệu sử dụng cho công đoạn sản xuất block xây bê tông thường, bê tông nhẹ và cấu kiện bê tông đúc sẵn.
Theo tính toán, với dây chuyền sản xuất hiện có, đơn vị này có thể làm ra 244.000 tấn cốt liệu tái chế; từ đó, sản xuất trên 3,7 triệu viên block xây bê tông/năm, trên 12.000m3 block xây bê tông nhẹ/năm, 24.000m3 cấu kiện bê tông đúc sẵn/năm. Tổng doanh thu sản phẩm đạt khoảng gần 35 tỷ đồng. Không chỉ mang lại lợi nhuận lớn, dự án đầu tư thu gom, tái chế phế thải xây dựng sản xuất vật liệu không nung sẽ giúp xử lý một lượng lớn phế thải xây dựng phát sinh ngày càng nhiều trên địa bàn huyện nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Đồng thời, tạo thêm việc làm mới cho hơn 50 lao động địa phương, góp phần tăng thu ngân sách cho huyện.
Ông Cường chia sẻ: “Sản phẩm vật liệu không nung là những vật liệu mới, nhẹ và bền, chịu nước; góp phần giảm tải trọng của công trình xuống nền móng, tăng cách nhiệt và cách âm. Đây là những ưu điểm nổi trội mà sản phẩm gạch nung không có được. Bởi vậy, những năm qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách khuyến khích tái chế, sử dụng các loại vật liệu phế thải rắn nói chung, phế thải xây dựng nói riêng. Hiện chúng tôi đang tiến hành sản xuất thử trong 3 tháng để hoàn thiện dây chuyền, điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật rồi mới xây dựng kế hoạch sản xuất chính thức để tiến hành sản xuất trong 12 tháng tiếp theo”.
Theo dự báo của các chuyên gia VLXD, đến năm 2030, VLXD không nung sẽ chiếm tỷ trọng trên 70% thị trường VLXD nói chung. Bởi vậy, việc tái chế phế thải xây dựng, sản xuất VLXD không nung không chỉ bảo vệ môi trường, tài nguyên đất đai và làm đa dạng sản phẩm cho ngành VLXD, mà còn đáp ứng nhu cầu tất yếu của thị trường VLXD trong thời gian tiếp theo.