Tiết kiệm năng lượng (TKNL) lên đến 25% và có khả năng chuyển đổi năng lượng từ sinh khối, hệ thống dây chuyền đồng bộ TKNL do Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM – thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các cơ sở sản xuất sấy, chế biến ngô giống, lạc giống.
Kết quả này có được nhờ quá trình triển khai cụm công trình nghiên cứu, ứng dụng các hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phụ phẩm nông nghiệp do PGS.TS Nguyễn Đình Tùng – Viện trưởng RIAM – cùng nhóm cộng sự thực hiện. Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm đã bước đầu làm chủ và hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị sấy và sơ chế biến nông sản quy mô công nghiệp…
- Những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tiết kiệm năng lượng tại Quảng Ninh, Các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các khu công nghiệp tại Quảng Ninh
- Hướng dẫn mới về lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công
- Điện mặt trời mái nhà sẽ giảm giá sâu?
- Bộ công thương tổ chức hội nghị tiết kiệm năng lượng toàn quốc 2023
PGS.TS Nguyễn Đình Tùng cho biết, kết quả thử nghiệm cho thấy, hiệu quả tiết kiệm năng lượng của hệ thống dây chuyền sấy, sơ, chế biến nông sản đạt trung bình 8 – 25%, tùy ở từng công đoạn. Đặc biệt, việc cải tiến hệ thống máy sàng và làm sạch sơ bộ sau tẽ với nguyên lý mẫu máy tốt, sử dụng quạt công suất nhỏ đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng 35 – 40% của quá trình sấy. Dây chuyền này rất phù hợp cho các mô hình chế biến nông sản vừa và nhỏ, đặc biệt là các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, bởi nó giải quyết được phế thải của quá trình sơ, chế biến nông sản cũng như vấn đề nguồn điện.
Hệ thống dây chuyền thiết bị được lắp đặt, thử nghiệm thực tế tại cơ sở sản xuất hoạt động ổn định, năng suất thực tế tăng hơn so với năng suất thiết kế. Công suất nhiệt lò đốt tăng khoảng gần 56%, hiệu suất nhiệt lò đạt gần 88%, độ khô đồng đều khoảng trên 99,6%, độ vỡ vụn nhỏ khoảng 0,15 – 1,05%. Nhiên liệu đốt tiết kiệm khoảng gần 20%.
Ngoài hiệu quả tiết kiệm năng lượng, các hệ thống máy cải tiến này còn được tích hợp giải pháp chuyển đổi năng lượng sinh khối nhờ công nghệ khí hóa liên tục quy mô công nghiệp. Hệ thống thiết bị đã giúp giải quyết hai vấn đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đó là: Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của hệ thống máy chế biến nông sản và giảm phát thải trong quá trình sản xuất thông qua chuyển đổi năng lượng tái tạo từ phụ phẩm nông nghiệp.
“Việc nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống dây chuyền đồng bộ TKNL đã thể hiện được nội lực nghiên cứu khoa học của Viện. Nội lực này được xây dựng trong thời gian dài, với sự hỗ trợ rất lớn của Bộ Công Thương, nhất là Vụ Khoa học và Công nghệ thông qua các chủ trương, cơ chế, chính sách và những nhiệm vụ khoa học – công nghệ” – PGS.TS Nguyễn Đình Tùng khẳng định. Hiện, công nghệ đã chuyển giao để ứng dụng cho Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Sơn (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Hệ thống có nhiều tính năng mới, khoa học, phù hợp cho hợp tác xã khi ứng dụng để sấy lạc giống phục vụ sản xuất và phân phối thương mại trên thị trường…
Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng rộng rãi kết quả của dự án trong cả nước. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng hệ thống dây chuyền thiết bị trong dự án đối với một số loại nông sản khác, có thể ứng dụng cho sấy nông sản giống; nghiên cứu cải tiến lò sấy nhằm nâng cao nhiệt độ sấy đến 160 – 180 độ, nâng cao hiệu suất trao đổi nhiệt và công suất nhiệt để đa dạng hóa sản phẩm sấy, giảm chi phí sản xuất.