Trang chủ / Tin tức / Tiết kiệm năng lượng / Đẩy mạnh phát triển năng lượng và tiết kiệm năng lượng

Đẩy mạnh phát triển năng lượng và tiết kiệm năng lượng

In bài viết Chia sẻ:

Đây là chủ đề của Hội thảo quốc tế do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) tổ chức ngày 20/11 tại Hà Nội. Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch VEA; ông Nguyễn Tài Anh – Phó Chủ tịch VEA, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội nghị có đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Than và Dầu khí (Bộ Công Thương); đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty trong ngành Năng lượng; một số Đại sứ quán các nước tại Hà Nội; một số tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, chuyên gia…

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi cho biết, Hội thảo lần này nhằm đề cập những vấn đề thiết thực cụ thể qua thực tiễn về phát triển năng lượng cũng như tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới; đảm bảo tiến độ đủ năng lượng tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050 để phát triển kinh tế – xã hội.

“Để Việt Nam trở thành nước có nền kinh tế phát triển ngang tầm với các nước giàu trên thế giới, ngành Năng lượng phải phát triển trước một bước. Cụ thể, tới năm 2050 tổng công suất nguồn điện dự kiến đạt 330.000 MW, sản lượng điện dự kiến khoảng 1.000 tỉ kWh. Để đạt được các mục tiêu trên, cần có các giải pháp toàn diện, cụ thể cho từng lĩnh vực điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo trong phát triển năng lượng cũng như trong tiết kiệm năng lượng” – ông Trần Viết Ngãi cho biết.

Theo Chủ tịch VEA, đây là dịp quý báu để các đại biểu dành tâm huyết lắng nghe, trao đổi, nhằm đóng góp cho Hội thảo những ý kiến bổ ích nhằm tạo ra những đề xuất, phản biện sâu sắc, khác biệt với tư duy sáng tạo đổi mới để thực hiện một cách có hiệu quả về sự nghiệp, thúc đẩy phát triển và tiết kiệm năng lượng Việt Nam trong nhiều năm tới thực sự đi vào cuộc sống; đồng thời kiến nghị Đảng, Chính phủ và các bộ ngành liên quan có cơ chế, chính sách giải quyết tốt các vấn đề về năng lượng…

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch VEA phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, đại diện Ban Chiến lược phát triển EVN cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, EVN dự kiến hoàn thành 12 dự án nguồn điện với tổng công suất đạt 6.093 MW (đạt 99,9% kế hoạch 5 năm). Trong đó, tỉ lệ đảm bảo tổng công suất nguồn theo Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) đạt gần 94%; tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo đạt vượt chỉ tiêu đề ra (205%)…

EVN cũng tham gia tích cực trong vận động, tuyên truyền đến khách hàng tham gia sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, như: ban hành chương trình tổng thể về thực hiện tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng; xây dựng kế hoạch truyền thông tuyên truyền tiết kiệm điện; tổ chức các chương trình tiết kiệm điện phù hợp với từng đối tượng khách hàng; đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà; tiết giảm hơn 3.255 MW từ các sự kiện điều chỉnh phụ tải điện (DR) tự nguyện phi thương mại…

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, EVN và các đơn vị trực thuộc cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc đầu tư các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) như: vướng mắc trong huy động vốn trong nước và nước ngoài; nguồn cung truyền thống (than, khí, LNG) gặp nhiều khó khăn; các yêu cầu khắt khe hơn về bảo vệ môi trường từ các Bộ, ngành, địa phương; chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai còn nhiều bất cập…

Ông Cáp Tuấn Anh – Phó Trưởng Ban Chiến lược phát triển (thuộc HĐTV EVN) phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Nhằm thực hiện tốt việc phát triển và tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2050, EVN sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp cân đối cung – cầu than giai đoạn 2021 – 2025, tiết kiệm chi phí nhiên liệu trong sản xuất điện; phối hợp cùng các địa phương triển khai cụ thể Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiết kiệm điện trong sinh hoạt, chiếu sáng, sản xuất, chuyển đổi thiết bị sử dụng công nghệ tiết kiệm điện; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện quản lý nhu cầu phụ tải điện giai đoạn 2020 – 2030…

EVN cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ EVN và các đơn vị giải quyết kịp thời các vướng mắc để đảm bảo tiến độ thực hiện đầu tư các dự án điện; tạo hành lang pháp lý đủ mạnh và có tính khuyến khích cao triển khai chương trình DR/DSM giai đoạn 2021 – 2030; sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời giai đoạn sau ngày 31/12/2020…

Tác Giả: Ngọc Duy

Nguồn Tin: TTXTVPTCT