Trang chủ / Tin tức / Tiết kiệm năng lượng – Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng 2022

Tiết kiệm năng lượng – Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng 2022

In bài viết Chia sẻ:

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là “chìa khóa” giúp hệ thống điện vận hành an toàn, liên tục và góp phần hiện thực hóa cam kết Net zero vào năm 2050 của Việt Nam. Đây là những vấn đề chính được thảo luận tại tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng – Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng 2022” diễn ra mới đây.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu quốc tế, Việt Nam còn nhiều dư địa tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực, từ công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất nông ngư nghiệp cho đến hộ gia đình…

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN và so với các nền kinh tế phát triển. Mặt khác, hệ số đàn hồi điện của Việt Nam đang có xu hướng giảm – đây là tín hiệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, hệ số đàn hồi cao hơn 1 chứng tỏ việc sử dụng năng lượng chưa thực sự hiệu quả. Việt Nam còn dư địa, trong đó dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong công nghiệp còn khả thi từ 20-30%.

Ngân hàng thế giới đã có nghiên cứu, để tiết kiệm được 1 đơn vị năng lượng chỉ phải bỏ ra chi phí bằng 1/4 chi phí bỏ ra để sản xuất thêm một đơn vị năng lượng tương ứng. Đó là hiệu quả, lợi ích rất lớn mà tiết kiệm năng lượng mang lại cho chính đối tượng sử dụng năng lượng, cho xã hội, giúp bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Để đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp từ trung ương đến địa phương, trong đó có việc đẩy mạnh thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cùng với đó là giải pháp về quản lý, công nghệ; giải pháp về tài chính để hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ, thay thế dây chuyền thiết bị công nghệ, hiệu quả năng lượng cao. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua tuyên truyền, nâng cao năng lực, trình độ thông qua hoạt động đào tạo,… thúc đẩy mô hình phát triển thị trường năng lượng.

Các khách mời tham dự tọa đàm (phải sang trái): ông Hà Đăng Sơn, ông Nguyễn Anh Tuấn, ông Trịnh Quốc Vũ, ông Võ Quang Lâm và nhà báo Nguyên Long. Ảnh: HH

Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm, để đảm bảo hiệu quả công tác tiết kiệm điện trong thời gian tới, cần tập trung nhiều hơn vào các giải pháp như: hoàn thiện cơ chế chính sách – đây là vấn đề cốt lõi để làm tốt công tác tiết kiệm điện. Thay đổi từ việc chỉ khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả thì phải chuyển sang cơ chế bắt buộc và phải được Luật hóa trong Luật Điện lực và Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, phải có cơ chế chính sách về mặt tài chính để xã hội hóa được vấn đề sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tạo đòn bẩy kinh tế để người dân, doanh nghiệp mong muốn, có khả năng, có đủ tiềm lực tham gia. Ngoài ra, cơ chế về giá điện cũng cần có sự thay đổi, phù hợp hơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia cao cấp năng lượng, Hội đồng phản biện Khoa học, Tạp chí Năng lượng Việt Nam nhất trí dư địa tiết kiệm năng lượng của Việt Nam còn nhiều. Tiết kiệm năng lượng không có nghĩa là không dùng mà là tiêu dùng thông minh, dùng đúng, dùng đủ. Nếu tiết kiệm không đạt mục tiêu đặt ra thì chi phí xây dựng nguồn điện sẽ tăng cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Vào mùa nắng nóng, để giảm áp lực cho hệ thống điện thì ý thức tự quản lý mức tiêu thụ năng lượng của mỗi người, mỗi doanh nghiệp là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, các hộ gia đình, doanh nghiệp có thể lắp điện mặt trời mái nhà để sử dụng, vừa che nắng, vừa giảm chi phí hóa đơn tiền điện, góp phần giám áp lực cho hệ thống điện quốc gia.

Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, cam kết Net-zero của Việt Nam sẽ tạo ra cuộc dịch chuyển từ năng lượng hóa thạch sang dùng điện trong các hầu hết các ngành. Như vậy thách thức trong việc đảm bảo nguồn điện sẽ tăng lên.

Cũng theo ông Sơn, để đảm bảo cam kết tại COP 26 và trong xu hướng chuyển dịch điện khí hóa 100% thì Việt Nam bắt buộc phải đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chúng ta không thể chạy theo nhu cầu, câu chuyện cung ứng điện không đơn giản, tới một ngưỡng nào đó không thể cung ứng bằng các nguồn nội địa thì buộc phải nhập khẩu với giá cao. Trong thời gian tới cần đặt ra những mục tiêu cao hơn, giải pháp mạnh mẽ hơn, sự cam kết mạnh mẽ hơn từ tất cả các bên liên quan từ phía Chính phủ đến doanh nghiệp và người dân để không chỉ đảm bảo điện mà còn phục vụ mục tiêu Net zero.

Một số hình ảnh tại tọa đàm (nguồn https://nangluongvietnam.vn/)

Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương
Chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam – Nguyễn Anh Tuấn

Tác Giả: Thảo Nguyên

Nguồn Tin: evn.com.vn