Nhu cầu năng lượng cho sản xuất và đời sống ngày càng tăng cao, trong khi các nguồn tài nguyên than, dầu, khí đang dần cạn kiệt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với sản xuất xanh và bảo vệ môi trường.
Nhu cầu điện nói riêng, năng lượng nói chung trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng ở nước ta rất lớn. Chỉ tính riêng tiêu thụ năng lượng của các ngành công nghiệp hiện chiếm tới gần 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng trong nền kinh tế và đời sống nói chung, các hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng còn chưa hiệu quả.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững – Bộ Công Thương, nhấn mạnh, TKNL còn nhiều dư địa và là một cột trụ quan trọng trong đảm bảo năng lượng cho đất nước. “Chúng ta sử dụng năng lượng chưa hiệu quả. Trong quan sát nhiều năm, hiện nay chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp Việt Nam khoảng 400 kg dầu quy đổi mới tạo 1.000 USD GDP. Con số này cao hơn 30% so với Thái Lan và 60% so với Malaysia, đặc biệt so với các nước phát triển như Nhật Bản, US thì cao hơn gấp 4-5 lần. Điều này rất đáng suy nghĩ…”.
Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hóa quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 10-20% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều…
Ông Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, đồng thời là chuyên gia về kiểm toán năng lượng dẫn chứng cụ thể về khả năng tiết kiệm năng lượng của các ngành công nghiệp trọng điểm trong đó có ngành công nghiệp xi măng ở Việt Nam.
“Ví dụ như ngành xi măng, nếu chúng ta tận dụng tốt, làm tốt các vấn đề công nghệ cũng như tận dụng tốt nhiệt thải… thì có thể tiết kiệm được khoảng 50% năng lượng tiêu thụ cho nhà máy. Ngoài ra, các nhà máy khác, các công nghệ khác thì tối thiểu ở Việt Nam mình khoảng tiết kiệm năng lượng, tiềm năng của nó cũng rơi vào trên 20% cho mỗi một lĩnh vực. Còn nếu mà cao thì – như tôi nói – như xi măng thì đến 50%, thì đấy là cơ hội rất lớn để chúng ta thực hiện các giải pháp, thực hiện các cơ hội để cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các nhà máy…” – ông Dương Trung Kiên nêu rõ.
Sản xuất thép cũng là một ngành tiêu tốn nhiều năng lượng điện và than, nhưng nếu đầu tư công nghệ, thu lại nguồn nhiệt thải để tái sản xuất điện năng thì không chỉ giúp giảm chi phí cho sản phẩm mà còn góp phần đảm bảo điện cho sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Đinh Văn Chung – Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết thực tế của doanh nghiệp: “Hiện nay, tôi đang thu hồi nhiệt dư và khí thải phát ra môi trường tận dụng lại để phát điện đạt trên 70% tổng sản lượng điện mà mình phải sử dụng và hướng đến công ty đang đầu tư cải tạo để đạt trên 80%…”.
Xác định tầm quan trọng của việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng đối với an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời giúp giảm chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế, cùng với việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận, thực hành tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, hàng năm Thủ tướng Chính phủ ra quyết định ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Cụ thể, tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9/11/2021, cả nước có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên. Tổng số điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở này là hơn 70 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc.
Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025) thì hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 2.700 tỷ đồng).
Ông Võ Quang Lâm, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
“Qua số liệu trên, chúng ta có thể thấy vai trò của các doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm rất quan trọng. Các doanh nghiệp này phải thực hiện các quy định bắt buộc về sử dụng NLTK&HQ, vì vậy các doanh nghiệp này cần phải tiên phong, gương mẫu trong thực thi các quy định của Nhà nước về sử dụng NLTK&HQ, như thành lập bộ phận quản lý năng lượng; kiểm toán năng lượng định kỳ; xây dựng và thực hiện các mục tiêu, giải pháp về sử dụng NLTK&HQ hàng năm… để góp phần tích cực trong thực thi chính sách tiết kiệm năng lượng của Chính phủ và là các tấm gương để các doanh nghiệp khác đi theo…” – ông Lâm nhấn mạnh.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành kinh tế, đặc biệt là trong khối công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm là rất rõ ràng. Theo các chuyên gia, để các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm nói riêng, doanh nghiệp trong khối công nghiệp và xây dựng cũng như các hộ tiêu thụ điện đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì cùng với các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào thị trường công nghệ TKNL, cần coi trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong việc đảm bảo nguồn năng lượng cho chính bản thân mỗi người, mỗi gia đình, doanh nghiệp đến an ninh năng lượng của quốc gia.