Trong những năm qua, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã không ngừng nỗ lực hoàn hiện hạ tầng hệ thống điện, đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật để quản lý; đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục với chất lượng ngày càng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân tại 27 tỉnh, thành phố miền Bắc.
Với những cơ chế, chính sách của Nhà nước là luôn tạo điều kiện để thu hút đầu tư thuận lợi, nhiều địa phương ở miền Bắc đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, nhu cầu sử dụng điện tăng nóng với mức tăng trưởng bình quân miền Bắc liên tục trong nhiều năm gần đây đều trên 10%/năm, thậm chí có địa phương tăng từ 15-20%.
Trước sự dịch chuyển đầu tư, sự phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19, đến năm 2021, nhiều tỉnh/thành của miền Bắc có tốc độ tăng trưởng phụ tải rất cao như Thanh Hóa – 13,59%, Hải Phòng – 15,8%, Hưng Yên – 11,3%, Vĩnh Phúc – 11,25%, Lào Cai – 13,9%, Bắc Giang – 10,17%, … Kết thúc năm 2021, Tổng công ty có sản lượng điện thương phẩm đạt 81,831 tỷ kWh với tỷ lệ tăng trưởng 9,31%, gấp gần 3 lần mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trong cả nước và là đơn vị có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh dần được khống chế, nền kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng trở lại, dự kiến nhu cầu cung cấp điện của khách hàng sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh tại 27 tỉnh miền Bắc, EVNNPC còn là đơn vị tiên phong thực hiện hiệu quả các chương trình về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có chương trình (DR theo đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra, cần tới sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi lẽ việc sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp và toàn xã hội.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết: “Nếu như năm 2019, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện với EVNNPC mới có 2.440 khách hàng (chiếm tỷ lệ 84%), thì đến năm 2020, chương trình DR của EVNNPC đã thu hút 3.303 khách hàng tham gia (đạt tỷ lệ 95,4%) và năm 2021 vừa qua đã có 3.225 khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải tự nguyện tại 27 tỉnh miền Bắc với tổng tiềm năng tiết giảm khoảng 1.000 MW điện.” |
Doanh nghiệp thực hiện DR để giảm áp lực cho ngành điện
Năm 2022, với thực tế đại dịch được kiểm soát, các hoạt động đã trở lại bình thường, một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng phụ tải đỉnh lớn trong năm 2022 được dự báo là Vĩnh Phúc (16,6%), Phú Thọ (19,3%), Nghệ An (16,2%), Hưng Yên (15,9%), Thái Nguyên (13,5%). Có thể khẳng định, về cơ bản, hệ thống điện quốc gia vẫn đảm bảo cấp điện cho phụ tải miền Bắc trong năm 2022, tuy nhiên, vào mùa hè sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng khiến phụ tải sẽ có những thời điểm tăng cao đột biến. Dự báo phụ tải đỉnh hè năm 2022 sẽ tăng 12 – 15%, có thể đạt 16.500 – 16.950 MW, tức là tăng thêm 2.000 MW so với mùa nắng nóng năm 2021, tuy nhiên, ở phía nguồn cung thì sự bổ sung nguồn điện mới lại chưa nhiều.
Đáng nói là, dù năm 2022 có 47 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với công suất tăng thêm dự kiến đạt 759,1 MW, nhưng qua các hợp đồng đã ký kết, thì đến hết tháng 4-2022, chỉ có gần 60 MW được đưa vào vận hành, số còn lại đi vào vận hành từ tháng 8 đến tháng 12-2022. Điều này đồng nghĩa với việc mùa nắng nóng chỉ được bổ sung rất ít từ nguồn cung mới. Bên cạnh đó, năng lực truyền tải của đường dây 500 kV từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc vẫn không có gì thay đổi so với năm 2021.
EVNNPC dự báo trong các ngày nắng nóng cực đoan, miền Bắc sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm buổi trưa (12h00 – 15h00) và cao điểm tối (21h00 – 24h00). Do đó để cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, EVNNPC mong muốn các khách hàng triệt để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, các khách hàng lớn tích cực tham gia vào chương trình DR của Tổng công ty.
Các khách hàng tham gia chương trình DR tự nguyện sẽ dịch chuyển thời gian sản xuất đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất và công suất hoạt động của máy móc nhưng vẫn tiết kiệm được một sản lượng điện nhất định, đảm bảo chia sẻ cùng ngành điện trong những thời điểm thời tiết thiên tai nắng nóng cực đoan có khó khăn về nguồn cung ứng điện phải điều chỉnh phụ tải, điều tiết vận hành để đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện Quốc gia.
Chia sẻ về lợi ích khi tham gia chương trình DR, ông Phạm Văn Khoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Đá mài Hải Dương, Lạng Sơn cho biết: Trung bình mỗi năm, công ty sử dụng khoảng 37 triệu kWh điện. Chi phí tiền điện mỗi tháng công ty phải chi trả trên 500 triệu đồng, chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất, khiến giá thành sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Công ty Điện lực Lạng Sơn, từ năm 2019, công ty đã tham gia chương trình DR.
Tham gia chương trình, công ty được Công ty Điện lực Lạng Sơn hỗ trợ, hướng dẫn điều chỉnh công suất một số loại máy móc như máy dập, máy nghiền… từ 13 kW xuống còn 7 kW; tăng sản lượng sản phẩm luyện mỗi lò để cắt giảm số lượng lò luyện;… Từ đó, sản lượng điện sử dụng của công ty đã giảm 7,5% đến 10%/năm so với trước khi tham gia chương trình DR.
Để chương trình điều chỉnh phụ tải điện đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới, EVNNPC tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp chủ động tiết giảm nhu cầu sử dụng điện trong giờ cao điểm. Qua đó, góp phần giảm công suất cực đại, tránh nguy cơ lưới điện bị quá tải và nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Đồng thời, điện lực sẽ tạo điều kiện để cộng đồng nhận thức rõ hơn về tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả.
Chương trình điều chính phụ tải điện là một trong những nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện, góp phần bảo đảm cân bằng cung cầu điện, tối ưu hóa hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, giá trị dịch vụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; góp phần giảm tác hại môi trường; bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển bền vững. Chương trình góp phần giảm hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng/miền hoặc tại các khu vực lưới điện bị quá tải cục bộ. Đối với ngành Điện, chương trình giảm chi phí quản lý điều hành, chi phí phục vụ, nâng cao hiệu suất và tính linh hoạt trong vận hành; giảm nhu cầu về vốn đầu tư; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. |