Phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo là nhiệm vụ quan trọng góp phần xanh hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng có nguồn gốc nhiên liệu hóa thạch hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và góp phần giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 với các quan điểm, mục tiêu rõ ràng về phát triển bền vững đất nước, phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường. Khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo. Phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Hạn chế tác hại của thiên tai, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng. Trong đó, ngành Công Thương đóng vai trò then quan trọng góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế bền vững với các nhiệm vụ cụ thể: – Xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển nền kinh tế theo hướng các bon thấp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Từng bước thị trường hóa giá năng lượng, nâng dần tỷ trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam. Xây dựng hệ thống hạch toán kinh tế môi trường và đưa thêm môi trường và các khía cạnh xã hội vào khuôn khổ hạch toán tài khoản quốc gia (SNA). – Phát triển bền vững công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp, xây dựng nền “công nghiệp xanh”, ưu tiên phát triển các ngành, các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, đẩy mạnh phát triển công nghệ cao tại các đô thị lớn. Từng bước phát triển ngành công nghiệp môi trường. – Đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. – Xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh. Phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Áp dụng những chính sách điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý. Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể và chi tiết cho từng lĩnh vực quan trọng nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020, cụ thể: -Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 (Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 09 tháng 6 năm 2014), Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (Quyết định số 2146/QĐ-TTG ngày 01 tháng 12 năm 2014); – Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Quyết định số 76/QĐ-TTG ngày 11 tháng 01 năm 2016), Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến 2020 (Quyết định số 1419/QĐ-TTG ngày 07 tháng 9 năm 2009); – Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả qua các giai đoạn từ 2006-2015; – Và gần đây nhất là Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công Thương giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025 phê duyệt tại Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó các nhiệm vụ trọng tâm chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu được đề cập như sau: + Tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp; xây dựng danh mục các dự án, nhà máy sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và triển khai theo lộ trình thay thế và loại bỏ dần các thiết bị lạc hậu trong các nhà máy và đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm; + Bổ sung và hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường đối với một số ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xây dựng, điều chỉnh và thực hiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam; + Thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu và cung cấp đầy đủ năng lượng với giá hợp lý, làm động lực phát triển cho các ngành công nghiệp khác. Một số kết quả phát triển ngành Công Thương theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu Thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ xanh hóa sản xuất, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất công nghiệp, giảm phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cụ thể: Trong giai đoạn 2010 đến nay, các hoạt động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã phát hành 86 bản tin và tờ rơi phục vụ công tác tuyên truyền đến các đối tượng có liên quan, công bố 44 tài liệu phục vụ công tác đào tạo, tập huấn về sản xuất sạch hơn cho các chuyên gia, các nhà sản xuất và các nhà quản lý, ban hành 22 Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật cho các ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp,…các tài liệu này được cập nhật và xây dựng mới thường xuyên và có khả năng ứng dụng thực tế tại các doanh nghiệp, giúp các đơn vị nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2011-2015 được đánh giá đã đạt mục tiêu đề ra, tiết kiệm được 11,262 triệu tấn dầu quy đổi, góp phần quan trọng trong việc giảm tiêu thụ các dạng nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng trên phạm vi cả nước. Nhận thức của cộng đồng, các doanh nghiệp và toàn xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, thái độ và hành vi của người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất có nhiều chuyển biến rõ rệt, thể hiện rõ trên thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng ngày càng được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã và đang từng bước xây dựng hệ thống phân phối xanh thông qua hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên phạm vi cả nước nhằm thúc đẩy hoạt động quảng bá và phát triển thị trường các sản phẩm thân thiện với môi trường, phát thải carbon thấp. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường và thỏa mãn sự quan tâm của khách hàng đối với các sản phẩm mới, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đã ban hành các thông tư quy định về định mức tiêu hao năng lượng, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, hóa chất, bia, nước giải khát, công nghiệp sản xuất giấy, nhựa và sẽ tiếp tục hoàn thiện và ban hành các văn bản áp dụng đối với các ngành công nghiệp khác. Phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo là nhiệm vụ quan trọng góp phần xanh hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng có nguồn gốc nhiên liệu hóa thạch hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và góp phần giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản pháp luật và thúc đẩy và tổ chức thực hiện hoạt động phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các dạng năng lượng tái tạo như phát điện từ rác thải, điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời, đã ban hành nhiều quy định cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các dự án điện tái tạo ở Việt Nam như Hợp đồng mẫu, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển và sử dụng điện sinh khối,… Một số thuận lợi, khó khăn và nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững ngành Công Thương theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu Thuận lợi Chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp đang là xu thế chung của toàn thế giới. Do đó, các cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp, thương mại ở nhiều quốc gia ngày càng hoàn thiện theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính. Định hướng lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu đã giúp cho quá trình hoàn thiện các cơ chế chính sách, chiến phát triển các ngành/lĩnh vực, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu, cơ cấu lại ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng, hiệu quả. Những thành tựu đạt được trong Chương tình nghị sự Agenda 21 của Việt Nam đã tạo đà cho sự phát triển kinh tế và các ngành, lĩnh vực và có điều kiện kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm tốt trong giai đoạn phát triển mới. Sự hỗ trợ có hiệu quả của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách về phát triển bền vững đối với lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ mới như tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất. Nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp về những cơ hội, lợi ích của việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững ngày càng nâng cao. Thái độ, hành vi của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng đã và đang chiếm ưu thế trên thị trường, góp phần định hướng phát triển các nhà sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính giúp cho quá trình xanh hóa sản xuất thuận lợi hơn. Khó khăn Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, quá trình xanh hóa sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính và hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, ngành Công Thương còn nhiều khó khăn, thách thức như: Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng những thành quả phát triển và sự ổn định, bền vững của ngành. Tác động của thiên tai, lũ lụt ở Việt Nam trong những năm gần đây đã gây thiệt hại nặng nề đối với sự phát triển bền vững của ngành Công Thương như cơ sở hạ tầng năng lượng, công nghiệp và thương mại. Nhận thức của nhiều doanh nghiệp và người dân đối với tầm quan trọng của chiến lược phát triển lâu dài theo hướng phát thải carbon thấp còn hạn chế. Do đó, sự quan tâm, đầu tư công nghệ sạch, phát thải carbon thấp chưa tương xứng với yêu cầu phát triển một cách lâu dài và bền vững của ngành Công Thương. Nhu cầu về tài chính để thực hiện tăng trưởng xanh vô cùng lớn, trong khi nguồn lực dài hạn cho việc này lại đang rất hạn chế. Các Dự án về tăng trưởng xanh được đánh giá đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này vẫn còn hạn chế cả ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, việc phát triển các dự án về tăng trưởng xanh vẫn chưa đạt như mong muốn. Việc giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc chưa có quy định của pháp luật, các hướng dẫn kỹ thuật của quốc tế và trong nước vẫn chưa được hoàn thiện. Do đó, đây vẫn còn là vấn đề rất mới đối với Việt Nam nói chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng. Do đó, nguồn lực về con người và chuyển giao công nghệ về tăng trưởng xanh chưa được xã hội quan tâm và đầu tư tương xứng. Những cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay vẫn là bài toán mở cho các doanh nghiệp Việt Nam quyết định trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh. Các cơ chế, chính sách mới về biến đổi khí hậu sẽ tác động không nhỏ đến chiến lược phát triển lâu dài đối với ngành công nghiệp như cơ chế mua bán phát thải carbon, chính sách về dấu vết carbon trong sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường, chính sách tài chính toàn cầu về hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch,… Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành Công Thương theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu Để khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên, tranh thủ các cơ hội mới trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ngành Công Thương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài, cụ thể: – Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách của quốc gia, những vấn đề mới như các rào cản kỹ thuật, xu thế phát triển theo hướng phát thải thấp, tăng trưởng xanh của các quốc gia trên thế giới và khu vực, đặc biệt là ở các thị trường lớn có tính dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu như Trung Quốc, Mỹ, EU,… – Nhà nước cần triển khai các cơ chế, chính sách vừa mang tính bắt buộc, vừa mang tính khuyến khích trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính. – Mở rộng cơ hội tiếp cận các nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ phát thải thấp, tăng trưởng xanh cho các doanh nghiệp. – Xây dựng cơ chế chính sách và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính thông qua các cơ chế mới về biến đổi khí hậu như mua bán carbon, trao đổi tín chỉ carbon. – Tổ chức và triển khai có hiệu quả Quyết định số 598/QĐ-TTG ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025, trong đó một số nhiệm vụ liên quan đến tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sẽ được triển khai bao gồm: Tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp; xây dựng danh mục các dự án, nhà máy sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và triển khai theo lộ trình thay thế và loại bỏ dần các thiết bị lạc hậu trong các nhà máy và đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm. Bổ sung và hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường đối với một số ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xây dựng, điều chỉnh và thực hiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam. Thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu và cung cấp đầy đủ năng lượng với giá hợp lý, làm động lực phát triển cho các ngành công nghiệp khác./. |
Phát triển bền vững ngành Công Thương theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp ứng phó với biến đổi khí hậu
In bài viết
Chia sẻ:
Bài viết liên quan
- Gấp rút sửa đổi Luật Điện lực tạo đà cho phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Phát huy vai trò của đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng
- Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 để đảm bảo an ninh năng lượng
- Công ty CP Bia Hà Nội – Kim Bài: Giảm chi phí nhờ tiết kiệm năng lượng
- Hơn 11.300 người lao động ngành điện miền Trung thi đua tiết kiệm điện
- Phát triển điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc: Từ nhu cầu tới cơ chế, chính sách