Trang chủ / Tin tức / Tiết kiệm năng lượng / Tiết kiệm năng lượng – vẫn chưa có nhiều chuyển biến

Tiết kiệm năng lượng – vẫn chưa có nhiều chuyển biến

In bài viết Chia sẻ:

Thực hiện Chỉ thị 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2011 đến nay, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Công Thương, việc tiết kiệm năng lượng vẫn chưa có nhiều chuyển biến, nhất là ở khối các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm về sử dụng điện và các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh (khối khách hàng chiếm từ 60-70% sản lượng điện thương phẩm).

Công ty Tuyển than Hòn Gai là một trong nhiều đơn vị ngành Than triển khai tốt việc kiểm toán năng lượng. Trong ảnh: Vận hành các thiết bị khởi động mềm tại Công ty Tuyển than Hòn Gai

Thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 98 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ hàng năm trên 3 triệu kWh). Theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (số 50/2010/QH12), 98 cơ sở trên có trách nhiệm thực hiện việc kiểm toán năng lượng bắt buộc 3 năm/lần. Các cơ sở khác được khuyến khích định kỳ tổ chức kiểm toán năng lượng và báo cáo tình hình sử dụng năng lượng. Việc kiểm toán năng lượng sẽ giúp đánh giá thực trạng hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng, từ đó đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng khả thi về kỹ thuật và kinh tế, xây dựng các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Đến nay, nhiều đơn vị ngành Than đã đạt được lợi ích thiết thực từ việc triển khai kiểm toán năng lượng, như: Công ty Than Đèo Nai, Công ty CP Than Hà Lầm, Công ty Than Cọc Sáu, Công ty Than Dương Huy, Công ty Than Cao Sơn, Công ty Than Hòn Gai, Tuyển than Hòn Gai… Trong đó, nổi bật có Công ty Than Hòn Gai và Than Hà Lầm đã trở thành mô hình mẫu về quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; đã đoạt nhiều giải thưởng tại Cuộc thi Quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà do Bộ Công Thương tổ chức. Giải pháp 2 đơn vị này đưa ra sau khi tiến hành kiểm toán là thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact, lắp đặt tụ bù, lắp biến tần và khởi động mềm, lắp đặt hệ thống giám sát điện năng…

Tuy nhiên, số lượng các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiến hành kiểm toán và mạnh dạn triển khai, đầu tư các giải pháp trong tiết kiệm năng lượng chưa nhiều. Sau hơn 5 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 171, hiện toàn tỉnh mới có 47/98 cơ sở thực hiện kiểm toán năng lượng; 57/98 đơn vị thực hiện đào tạo người quản lý năng lượng. Đặc biệt, nhiều cơ sở còn chưa chỉ định người quản lý năng lượng, chưa kiểm định các thiết bị, trang bị điện. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng lãng phí trong sử dụng năng lượng.

Không chỉ có khối khách hàng thuộc cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thiếu quan tâm đến công tác tiết kiệm năng lượng, mà hiện nay rất nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh cũng chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này. Hàng năm, trên cơ sở thống kê của Sở Công Thương, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch sử dụng tiết kiện 10% so với nhu cầu sử dụng điện của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Năm 2016, toàn tỉnh có 1.488 cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện tiết kiệm 10% nhu cầu sử dụng điện, dự kiến sản lượng điện năng tiết kiệm được là gần 11 triệu kWh. Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh, các đơn vị này sẽ phải xây dựng và báo cáo việc thực hiện kế hoạch hàng năm; có phương án sử dụng điện; có đăng ký mức sử dụng điện thực tế của năm tiếp theo… Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít các đơn vị thực hiện nghiêm túc kế hoạch UBND tỉnh, nhiều đơn vị đã sử dụng vượt quá sản lượng điện năng theo kế hoạch phân bổ. Riêng quý I-2016, có 799/1.488 đơn vị sử dụng vượt gần 2,3 triệu kWh sản lượng điện năng theo kế hoạch phân bổ.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại trên là do: Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế; doanh nghiệp không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho dự án tiết kiệm năng lượng; nhiều đơn vị chưa thực hiện các yêu cầu của Luật; thiếu các chế tài trong xử lý vi phạm; cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ còn gặp nhiều hạn chế; lực lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn mỏng, 14 địa phương mới có khoảng 5 người có trình độ chuyên môn về điện mà đa phần kiêm nhiệm, nên việc triển khai chương trình chưa được sâu sát… Trong những năm tới, với những diễn biến phức tạp của thời tiết, tình hình vận hành không ổn định của một số nhà máy nhiệt điện, nhu cầu phụ tải điện tăng cao, trong khi tốc độ phát triển nguồn điện chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là vào các tháng mùa khô, tình hình thiếu điện sẽ có thể tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.

Để chương trình tiết kiệm năng lượng đạt được hiệu quả cao nhất, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm biểu đồ phụ tải đã đăng ký; cũng như xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường./.

Tác Giả: Khuyến Công

Nguồn Tin: Báo Quảng Ninh