Trong 5 năm vừa qua, phong trào “chống rác thải nhựa” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn TP Hạ Long. Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo đã tạo được sự lan toả rộng khắp trong cán bộ, hội viên phụ nữ của thành phố, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.Với đặc thù là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, những năm qua, TP Hạ Long đã có bước phát triển đột phá về hạ tầng, nhiều dự án đầu tư được thực hiện, làm thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố. Bên cạnh đó, TP Hạ Long còn sở hữu ưu thế về cảnh quan thiên nhiên nên lượng khách đến tham quan ngày một tăng. Những điều này đã làm gia tăng thách thức về ô nhiễm môi trường, nhất là lượng rác thải nhựa ngày càng phát sinh đã và đang tác động đến cảnh quan, sinh thái, sức khỏe và đời sống của người dân. Theo số liệu thống kê của Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, hằng năm số lượng chất thải nhựa phát sinh ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn, trong đó khoảng 30 tỷ túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, đối với thành phố Hạ Long khoảng 58,2 tấn/năm… Từ thực tiễn địa phương, hưởng ứng tích cực phong trào “Chống rác thải nhựa” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và tỉnh phát động, từ năm 2019 đến nay, Hội LHPN thành phố có nhiều cách làm sáng tạo để triển khai hiệu quả các cuộc vận động như: Chú trọng công tác tuyên truyền thông qua hội nghị, tập huấn, tọa đàm, sinh hoạt, triển lãm, trưng bày, tham gia các hội trợ… để nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường, phân loại rác thải sinh hoạt, tái chế rác thải nhựa. Đặc biệt, để dẫn dắt hội viên cùng làm và thực hiện với phương châm “Cán bộ nào, phong trào đó và cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, cán bộ Hội từ thành phố đến cơ sở luôn gương mẫu, tích cực, đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải nhựa với việc hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại công sở, các hội nghị, hội thảo, ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác tại công sở, hộ gia đình; nghiên cứu xây dựng thành lập các mô hình tái chế rác phù hợp với điều kiện tại địa phương; tuyên truyền cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch ký cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long và các hoạt động du lịch khác trên địa bàn. Trong 5 năm qua, với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc bảo vệ môi trường các cấp Hội đã xây dựng, duy trì và nhân rộng 290 mô hình, câu lạc bộ, tổ nhóm, thu hút gần 30.000 hội viên tham gia. Tiêu biểu như mô hình “Biến rác thành tiền”, các cấp Hội đã thu gom được trên 50 tấn rác nhựa, phế liệu, vỏ bia… bán được với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Từ đó tạo nguồn quỹ thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động và tặng quà cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp Lễ, Tết trên địa bàn thành phố. Hay đối với mô hình “Làm sản phẩm từ rác thải tái chế” đã giúp thu gom được lượng rác thải nhựa hàng năm trên 4 tấn dây buộc gạch, 1.350kg giấy bìa, 11.000kg pano, băng rôn; 5.000kg vải thừa… Sau thu gom, qua đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo các chị em đã tái chế được trên 50.000 sản phẩm các loại như: Làn đi chợ, làn thời trang; thùng rác; giỏ, túi, khay, lọ các loại, chổi quét, các vật dụng trang trí và tiện ích khác trong gia đình… Những sản phẩm trên đã bán và tiêu thụ tại các hội chợ OCCOP Quảng Ninh, Cát Bà – Hải Phòng, Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và tại nhiều hội thảo trong và ngoài tỉnh. Riêng với mô hình “Gạch sinh thái”, thay vì thải bỏ ra môi trường các loại rác thải nhựa như túi nilon, hộp xốp, ống hút, vỏ bánh kẹo,… Các chị em phụ nữ đã tiến hành thu gom, rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ rồi nhồi chặt vào những chai nhựa để chúng trở thành những viên gạch sinh thái sử dụng làm vật liệu xây dựng, đồ nội thất, bồn cây, hàng rào, thùng đựng rác… Đến nay, các cấp Hội đã làm được trên 20.000 viên gạch sinh thái, xây dựng được 117 chiếc bàn, ghế, bồn hoa, vườn hoa, tiểu cảnh… Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN TP Hạ Long, cho biết: Tất cả cán bộ, hội viên, phụ nữ trên toàn thành phố đều xem công tác bảo vệ môi trường, nhất là phong trào “chống rác thải nhựa”, là trách nhiệm của mình. Để phong trào đạt hiệu quả cao, chúng tôi đã thường xuyên chia sẻ các sáng kiến, giải pháp về chống rác thải nhựa, khuyến khích hội viên thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống hàng ngày. Sự lan tỏa mạnh mẽ của các mô hình đã làm thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm không chỉ của cán bộ, hội viên mà còn được lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trên địa bàn. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng thành phố Hạ Long kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh và nghĩa tình. Những kết quả nổi bật trên đã giúp cho Hội LHPN TP Hạ Long trở thành điển hình tiêu biểu của Hội LHPN Việt Nam trong 5 năm triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” (2018-2023). |
Bài viết liên quan
- Sắp diễn ra Festival Yoga mùa hè tại Hạ Long
- Chương trình “Tết Thợ mỏ” năm 2024 sẽ được tổ chức tại 6 vùng
- Quán triệt quy định về sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu
- Quán triệt quy định về sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu
- Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đề xuất quản lý riêng biệt thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử
- Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đề xuất quản lý riêng biệt thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử