Quang cảnh buổi làm việc. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường và Sở Công Thương, thời gian qua, hai đơn vị đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển năng lượng than, điện, dầu khí… đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, hai ngành cũng đã thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước đối với khai thác, sử dụng, phát triển năng lượng.
Nhờ đó, giai đoạn 2016-2021 tốc độ tăng trưởng điện năng thương phẩm của tỉnh bình quân đạt 7,38%/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp. Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được triển khai như: Lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, hệ thống biến tần khởi động mềm, hệ thống giám sát điều khiển từ xa, thay thế dây chuyền sản xuất bằng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, lắp đặt hệ thống điện mặt trời… Khoảng 80% cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng mô hình quản lý năng lượng. Hoạt động khai thác, chế biến than-khoáng sản đi vào nền nếp. Nhận thức, ý thức trách nhiệm trong hoạt động khai thác khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã được nâng lên rõ rệt. Chỉ số Quản trị môi trường của tỉnh Quảng Ninh đạt 4,75 điểm đứng thứ 2/63 tỉnh thành phố trong cả nước.
Để làm rõ thêm kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, các thành viên Đoàn Giám sát cũng đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Công Thương làm rõ thêm một số nội dung như: Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị trong quản lý, phát triển năng lượng; giải pháp liên quan đến nguồn cung than, điện; làm rõ phần trăm tiết kiệm năng lượng; kết quả xuất, nhập khẩu năng lượng..
Ngoài ra, hai đơn vị cũng đề nghị Đoàn Giám sát tổng hợp ý kiến, báo cáo Quốc hội, các bộ, ngành trung ương xem xét, sửa đổi Luật Khoáng sản số 60; ủy quyền cho tỉnh được cấp phép các khu vực bãi thải mỏ để chủ động nguồn vật liệu san lấp; bố trí, ưu tiên nguồn vốn để xây dựng hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu tìm kiếm, khai thác các nguồn tài nguyên mới, vật liệu mới, năng lượng mới; gia hạn thời gian đóng cửa mỏ khoáng sản là tối thiểu 3 năm…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, Trưởng Đoàn Giám sát đề nghị hai đơn vị tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Đoàn Giám sát. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đặc biệt là công tác tham mưu cho UBND tỉnh, bộ, ngành trung ương cũng như thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực này.