Là thành phố nằm ở phía tây tỉnh Quảng Ninh, thuộc trung tâm tam giác kinh tế động lực phía Bắc, Uông Bí có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt; có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, mang nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng. Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Uông Bí đã đạt nhiều kết quả khả quan, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Phát huy nội lực
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt kinh tế, đời sống xã hội, Đảng bộ thành phố Uông Bí đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn trúng khâu đột phá tạo chuyển biến trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 01-NQ/TU của tỉnh. Thành phố phố tập trung phát triển nhanh, bền vững các khu, cụm công nghiệp, triển khai điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, quy hoạch sử dụng đất thành phố đến năm 2030, các quy hoạch phân khu; đề xuất bổ sung cụm công công nghiệp của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung tại phường Phương Nam và Cụm công nghiệp Phương Nam 2 (75 ha); phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai khu kinh tế ven biển Quảng Yên.
Thành phố cũng ưu tiên các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sạch, thông minh, thân thiện với môi trường; đồng thời, tập trung nguồn lực để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án Cụm công nghiệp Phương Nam, đưa Cụm công nghiệp Phương Nam đi vào hoạt động; rà soát các cơ sở tiểu thủ công nghiệp không phù hợp với quy hoạch đô thị hoặc gây ô nhiễm môi trường buộc phải di dời trên địa bàn thành phố.
Uông Bí đã huy động nguồn lực, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh và bền vững; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại các khu, cụm công nghiệp đảm bảo kết nối liên thông, tổng thể gắn với phát triển hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh và khu vực.
Một trong những điểm nhấn quan trọng được thành phố chú ý triển khai là đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, giao thông trong và ngoài thành phố; ưu tiên các dự án trọng điểm có tính chất động lực như dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1); dự án đường Trần Hưng Đạo kéo dài giai đoạn 2; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10; dự án Tuyến đường Yên Tử kéo dài đoạn từ Quốc lộ 18A đến Quốc lộ 10 và đường 10 làn xe, thành phố Uông Bí; dự án cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc hai bên tuyến Quốc lộ 18A đoạn qua địa bàn thành phố Uông Bí…
Thành phố tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động, thực hiện hiệu quả đề án phát triển nguồn nhân lực thành phố, đề án đào tạo, chuyển đổi nghề trên địa bàn, nhất là đối với những người lao động bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; xã hội hoá đào tạo, dạy nghề với các doanh nghiệp để phát triển và thu hút nguồn nhân lực, nhất là đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Khuyến khích doanh nghiệp đào tạo nghề và sử dụng lao động địa phương; tạo dựng chuỗi liên kết sau đào tạo với các doanh nghiệp.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến, hỗ trợ và thu hút đầu tư; công khai minh bạch các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng thành phố, dự án trong các lĩnh vực có liên quan, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để cho doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận bình đẳng, đầu tư, thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh đúng theo định hướng, quy hoạch. Đồng thời, Uông Bí tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua hợp tác với các nhà đầu tư lớn; khuyến khích thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các lĩnh vực đặc biệt là ngành nông, lâm, thủy sản. Chủ động mời gọi nhiều doanh nghiệp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư về thành phố, nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn về các lĩnh vực như: Nông nghiệp công nghệ cao (Công viên Chuối – Công ty Musa Pacta); Đô thị đại học, Văn hóa – Công ty tập đoàn EdMoon; Dự án Hạ tầng khu công nghiệp – Công ty cổ phần Shinec; Dự án nhà máy điện gió – Công ty cổ phần Tập đoàn T&T; Dự án Sân Golf, khu nghỉ dưỡng – Công ty cổ phần tập đoàn T&T Group, Công ty Nam Việt (đầu tư Chợ); Tập đoàn Central Retail (Khu Trung tâm thương mại)…
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi gắn với đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật; giữ vững và nâng cao các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI); xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ…
… Tiếp tục khẳng định vai trò động lực quan trọng
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU trên địa bàn thành phố, ngành công nghiệp chế biến chế tạo Uông Bí đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp chung trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Kinh tế giữ vững đà tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm đạt 14,12%. Tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm đạt trên 11.000 tỷ đồng. Cơ cấu giá trị tăng thêm các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng của khu vực công nghiệp – xây dựng trong 3 năm đạt 48 – 49%. Giá trị gia tăng công nghiệp trong 3 năm bình quân đạt từ 10% năm trở lên, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng bình quân 12% năm; thu hút tổng vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 3 năm đạt trên 3.300 tỷ đồng (bình quân đạt trên 1.100 tỷ đồng/năm); tạo ra ít nhất 1.480 chỗ làm việc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 3 năm.
Mặc dù năm 2023 bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp và khó lường, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố ước đạt 13,5%, trong đó, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 13%, đạt nghị quyết. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Uông Bí từng bước góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đóng góp tỷ trọng lớn vào ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố trong 3 năm vừa qua.
Uông Bí trong tương lai có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngày càng đồng bộ hiện đại, đặc biệt là những cơ hội mang lại của khu kinh tế ven biển Quảng Yên là điều kiện quan trọng để thành phố thúc đẩy phát triển, nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao và thúc đẩy liên kết vùng với các địa phương.
Thành phố tiếp tục tập trung vào 3 trụ cột kinh tế chính, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xây dựng, trong đó tập trung cho các ngành than, điện, cơ khí, đặc biệt tập trung mạnh mẽ vào thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư FDI thế hệ mới gắn với các dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng lớn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở tận dụng cơ hội, nhất là vị trí gắn với KKT ven biển Quảng Yên, khu thương mại tự do Thủy Nguyên (Hải Phòng)…
Uông Bí tiếp tục xác định xây dựng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đồng thời, thành phố cũng đề xuất tỉnh quan tâm, chỉ đạo sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh làm cơ sở pháp lý để bố trí quỹ đất ổn định, định hướng ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hình thành các cụm liên kết vùng, liên kết ngành phát triển công nghiệp chế biến chế tạo tập trung, tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo trong khu công nghiệp phù hợp với chủ trương, định hướng của tỉnh; có cơ chế chính sách ưu tiện, đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ.