Trong những năm qua hoạt động khuyến công Quảng Ninh đã triển khai nhiều đề án khuyến công quốc gia, với nguồn vốn hỗ trợ cao hơn, quy mô đề án lớn hơn nên hầu hết các đề án sau khi được hỗ trợ đã và đang phát huy hiệu quả, nhìn chung các đề án sau khi thực hiện đều đi vào hoạt động ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội lớn cho doanh nghiệp và địa phương, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Trước hiệu quả đạt được từ các đề án khuyến công quốc gia đã triển khai, năm 2015, khuyến công Quảng Ninh tiếp tục khảo sát, xây dựng các đề án khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên các đề án xây dựng mô hình trình diễn, đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm mới để đăng ký kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2016, trong đó phải kể đến đề án mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất và chế biến nấm Linh chi của Công ty cổ phần nấm Thịnh Phát, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.
Hoành Bồ là huyện miền núi có diện tích rừng trồng khá lớn, chủng loại cây trồng chủ yếu là Keo lai, Keo tai tượng… Hàng năm lượng khai thác khoảng 100.000 m3, chủ yếu dùng trong các xưởng băm gỗ dăm mảnh. Lượng mùn loại ra từ các xưởng này mang hun đốt gây ô nhiễm môi trường. Lượng cành, ngọn không làm gỗ thành phẩm được là rất nhiều. Do vậy nguồn nguyên liệu làm giá thể để sản xuất nấm Linh chi và các loại nấm thực phẩm theo công nghệ mới là rất lớn. Hàng năm, nông dân huyện Hoành Bồ và các huyện lân cận thải ra hàng trăm ngàn tấn rơm rạ, mùn cưa, thân lõi ngô gây ô nhiễm môi trường. Hoành Bồ và các địa phương khác còn có lực lượng lao động không có việc làm do chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Nếu phát triển nghề trồng nấm và chế biến các sản phẩm từ nấm sẽ tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần giải quyết được các mặt tiêu cực nói trên. Hiện nay Công ty Cổ phần nấm Thịnh Phát mới sản xuất được một số loại sản phẩm nấm cung ứng cho thị trường như: Nấm sò, mộc nhĩ, nấm Linh chi khô. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm mới, vừa qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công ty cổ phần nấm Thịnh Phát đã khảo sát và lập đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất và chế biến nấm Linh chi” trình Sở Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ cho đề án từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2016. Theo dự toán, tổng kinh phí đầu tư cho đề án là 4,5 tỷ đồng. Sau khi đề án được triển khai thực hiện, mỗi năm Công ty sẽ cho ra thị trường (sản phẩm gồm trà túi lọc, cao nấm linh chi) với khối lượng 4 tấn sản phẩm/năm và đạt doanh thu khoảng 3,775 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho thêm cho 5 lao động địa phương, nâng tổng số lao động trong công ty 20 người làm việc tại công ty và hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn huyện sản xuất nguyên liệu.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất và chế biến nấm Linh chi” là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đề án có tác động tích cực trong bảo vệ môi trường vì nguyên liệu sản xuất là các loại phế thải, phế liệu trong ngành nông nghiệp, công nghiệp như: rơm rạ, mùn cưa, bông phế liệu, phế thải sau thu hoạch nấm được sản xuất thành phân hữu cơ. Đề án tạo ra nghề mới cho nông dân địa phương, tạo ra nguồn sản phẩm mới, phục vụ tiêu thụ nội địa, tạo nguồn hàng xuất khẩu; thu hút nguồn lao động nông thôn, nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ liệu trong nông nghiệp. Đây là một nghề sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, tiền vốn không lớn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội của toàn huyện Hoành Bồ nói riêng và của tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Với lợi ích như vậy, tin tưởng rằng trong tương lai sản phẩm nấm Linh chi của công ty cổ phần nấm Thịnh Phát sẽ được thị trường đón nhận và ưa chuộng. Để mô hình sản xuất triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao, đề án rất cần sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2016. Nguồn hỗ trợ này không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm mới, nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn./.