Trang chủ / Tin tức / Triển khai đề án khuyến công quốc gia điểm: Hiệu quả rõ rệt

Triển khai đề án khuyến công quốc gia điểm: Hiệu quả rõ rệt

In bài viết Chia sẻ:

Các đề án khuyến công quốc gia (KCQG) điểm được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1) triển khai đã cho thấy rõ hiệu quả lên một số ngành nghề. Tuy nhiên, để mở rộng cũng như nhân đôi hiệu quả các đề án này cần có cơ chế khuyến khích đủ mạnh.

Các đề án khuyến công quốc gia (KCQG) điểm được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Trung tâm 1) triển khai đã cho thấy rõ hiệu quả lên một số ngành nghề. Tuy nhiên, để mở rộng cũng như nhân đôi hiệu quả các đề án này cần có cơ chế khuyến khích đủ mạnh.

Lợi ích thấy rõ

Ngay sau khi Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) giao nhiệm vụ xây dựng, triển khai các đề án KCQG điểm, Trung tâm 1 đã nhanh chóng thực hiện công tác khảo sát, đánh giá, lập và thực hiện các đề án. Ngành dệt may, cơ khí, chế biến nông sản và chế biến sản phẩm từ gỗ, tre, nứa được “chọn mặt gửi vàng” là đối tượng được hỗ trợ triển khai đề án KCQG điểm.

Nhiều cơ sở CNNT gia tăng quy mô sản xuất nhờ được hỗ trợ từ đề án khuyến công quốc gia điểm

Trong năm 2021, các đề án KCQG điểm chủ yếu được Trung tâm 1 tập trung vào 2 nội dung: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến. Trong đó, ngành dệt may có 9 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) được thụ hưởng; ngành cơ khí có 15 cơ sở; ngành chế biến nông sản có 13 cơ sở và ngành chế biến sản phẩm từ gỗ, tre, nứa có 15 cơ sở CNNT được thụ hưởng.

Theo đánh giá chung từ Trung tâm 1, bên cạnh tác động làm thay đổi năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, các đề án KCQG điểm còn được ghi nhận đưa cơ sở CNNT tới gần hơn với quá trình “chuyển đổi số” trong sản xuất, kinh doanh – điều mà rất khó thực hiện với các hỗ trợ riêng lẻ. Kết hợp với các đề án hỗ trợ khác, Trung tâm 1 đã giúp nhiều cơ sở CNNT tiếp cận gần hơn những công cụ quản lý hiện đại như 5S, Kaizen… từ đó hoàn thiện dần mô hình sản xuất, quản lý hiện đại.

Đặc biệt, các đề án KCQG điểm được triển khai có lượng kinh phí khá lớn đã tạo sức hấp dẫn cho các cơ sở sản xuất trong ngành dệt may, cơ khí, chế biến nông sản, chế biến sản phẩm từ gỗ, tre, nứa mạnh dạn tham gia và đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh.

Điều chỉnh phù hợp

Dù các đề án KCQG điểm được triển khai đã chứng minh được tính hiệu quả, tuy nhiên đây vẫn là mô hình mới, có quy mô lớn cả về nguồn vốn, đối tượng thụ hưởng nên không tránh khỏi thách thức trong quá trình triển khai thực hiện. Trung tâm 1 cũng đã điểm tên những thách thức này, cụ thể: Đối với ngành dệt may, mới chỉ tập trung thực hiện hỗ trợ trong phân ngành may, còn phân ngành sợi, dệt, nhuộm do các cơ sở CNNT có quy mô nhỏ và vừa chưa có đủ tiềm lực đầu tư nên chưa có cơ sở triển khai để được hỗ trợ. Độ phủ của các đề án KCQG điểm chưa cao, mới chỉ triển khai được tại 9/28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Cơ sở dữ liệu, thông tin về nhu cầu hỗ trợ từ nguồn kinh phí KCQG cũng như tình hình đầu tư phát triển sản xuất của các cơ sở CNNT trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc chưa cập nhật kịp thời, gây khó khăn trong tìm kiếm đối tượng thụ hưởng.

Dù còn những khó khăn, thách thức nhưng đề án KCQG điểm vẫn được đánh giá cao về tính hiệu quả và tác động rộng. Do vậy, khắc phục những điểm yếu, gia tăng hiệu quả và tiếp tục triển khai đề án KCQG điểm là định hướng của Trung tâm 1 trong năm 2022. Theo đó, Trung tâm 1 sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các cơ sở CNNT mạnh dạn ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ tự động tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá để xây dựng các đề án KCQG điểm đối với các ngành nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp thế mạnh khác trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc…

Tác Giả: Hải Linh

Nguồn Tin: TTXTVPTCT