Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) chú trọng gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, với nhiều lĩnh vực như khai khoáng, điện, vật liệu nổ công nghiệp…, đặc biệt là khai thác, chế biến than tại Quảng Ninh đã tác động đến môi trường. Do vậy, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn quan tâm chú trọng gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ
Với chiến lược phát triển sản xuất luôn đi đôi với bảo vệ môi trường, thực hiện chủ trương phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh, hằng năm, TKV dành kinh phí trên 1.300 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn, trong đó riêng vùng Quảng Ninh khoảng 1.100 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, nhiều dự án, công trình môi trường được đầu tư đưa vào hoạt động phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất của TKV.
Đối với công tác xử lý nước thải mỏ, năm 2022, ngành Than đã đầu tư, hoàn thành nâng công suất 5 trạm xử lý nước thải mỏ… Đến nay, toàn Tập đoàn có 50 trạm xử lý nước thải trong hoạt động sản xuất than, trong đó 47 trạm xử lý nước thải mỏ, 3 trạm xử lý nước thải công nghiệp.
Tổng lượng nước thải mỏ đã qua xử lý khoảng 150 triệu m3/năm, và đều được xử lý bảo đảm quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Các trạm xử lý nước thải mỏ cũng được TKV đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối thông số kỹ thuật, giám sát tự động xử lý nước thải các trạm được truyền dữ liệu về Trung tâm quan trắc môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh để giám sát, quản lý.
Trạm xử lý nước thải 1.200m3/h Mạo Khê được đưa vào hoạt động từ năm 2011. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, trước nhu cầu khai thác than hầm lò mỏ Mạo Khê xuống sâu, phát sinh nước thải mỏ ngày càng tăng cao, TKV đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng cho Dự án nâng công suất Trạm xử lý nước thải 1.200m3/h lên công suất 2.400m3/h, đây là một trong những trạm có công suất xử lý nước thải lớn nhất hiện nay.
Ông Hoàng Xuân Tùng, Phó Quản đốc Phân xưởng Xử lý nước Uông Bí, Công ty Môi trường – TKV, cho biết: Phân xưởng được giao quản lý, vận hành 16 trạm xử lý nước thải vùng Uông Bí – Mạo Khê và Thái Nguyên. Hiện toàn bộ nước thải mỏ từ hầm bơm -80m và -150m Công ty Than Mạo Khê đều được thu gom xử lý, đáp ứng tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, đảm bảo công tác môi trường tại khu vực.
Để đáp ứng được năng lực xử lý nước thải mỏ, dự kiến giai đoạn 2022-2025, TKV tiếp tục đầu tư nâng công suất thêm 5 trạm xử lý nước thải tại 5 mỏ, gồm: Cọc Sáu, Cao Sơn, Dương Huy, Núi Béo và Thành Công (Than Hòn Gai).
Trong bối cảnh TKV đang tăng sản lượng khai thác than, điều kiện sản xuất tại các mỏ hầm lò ngày càng xuống sâu, diện sản xuất moong than lộ thiên cũng mở rộng, dẫn đến lượng nước thải cần xử lý ngày càng tăng cao, việc tiếp tục đầu tư nâng công suất các trạm xử lý nước thải sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải mỏ trong quá trình sản xuất của TKV.
Đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường vùng than Quảng Ninh luôn được TKV chú trọng, triển khai quyết liệt, mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững của TKV cũng như tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, TKV đã xây dựng và triển khai Đề án bảo vệ môi trường vùng Than Quảng Ninh giai đoạn đến 2025, định hướng tới 2030; kế hoạch tổng thể cải tạo phục hồi môi trường vùng than Quảng Ninh giai đoạn đến 2025, định hướng tới 2030”.
Công tác bảo vệ môi trường đã được các doanh nghiệp ngành Than thực hiện với ý thức, trách nhiệm rất cao, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu song hành cùng sản xuất, góp phần xây dựng môi trường sống, làm việc xanh, sạch, đẹp.
Cùng với việc trồng cây cải tạo phục hồi môi trường tại các khu vực bãi thải, khu vực dừng đổ thải, các tuyến đường mỏ, điển hình như Than Đèo Nai, Núi Béo, Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gai…, trong nhiều năm qua, các đơn vị sản xuất than lộ thiên, hầm lò, các nhà máy tuyển than, cơ khí, điện… đã xây dựng vườn hoa, cây xanh tại khuôn viên văn phòng các phân xưởng trên khai trường mỏ, tại mặt bằng công nghiệp, trong khuôn viên nhà máy… tạo cảnh quan môi trường theo tiêu chí “Sáng – Xanh – Sạch” và mục tiêu “Xanh hoá môi trường khai thác mỏ và đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy” của Tập đoàn, để mỗi phân xưởng, công trường, nhà máy như một công viên thu nhỏ.
Với rất nhiều giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường được áp dụng tại các đơn vị ngành Than, đã xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh; chất lượng môi trường, cảnh quan các khu vực có hoạt động sản xuất của TKV và các khu vực dân cư, đô thị lân cận đã được cải thiện. Qua đó, từng bước giảm ảnh hưởng của quá trình khai thác, chế biến than, khoáng sản đến môi trường; đưa công nghiệp khai khoáng trở thành ngành kinh tế phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường, với cộng đồng.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn, cho biết: Trong thời gian tới, TKV tiếp tục thực hiện các phương án bảo vệ môi trường tổng thể theo mô hình cụm tại các đơn vị; duy trì vận hành có hiệu quả các công trình môi trường đã đầu tư; tiếp tục đầu tư khởi công mới các công trình môi trường, nhất là các công trình cải thiện môi trường cảnh quan các mặt bằng sản xuất, môi trường làm việc. Đồng thời, Tập đoàn triển khai chủ trương tái sử dụng nước thải mỏ; cải tạo, phục hồi môi trường mong khai thác than lộ thiên 917 – Công ty Than Hòn Gai khi kết thúc khai thác và đóng cửa mỏ, chuyển mong 917 sử dụng làm hồ dự trữ nước ngọt với dung tích 20 triệu m3; thực hiện mục tiêu “Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản của TKV.