Theo báo cáo của Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 18.480 tỷ đồng.
Con số này là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2012 đến nay. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước đạt 11.786 tỷ đồng, tăng 5,2%, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 2.978 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có sự tăng trưởng vượt bậc với 2 con số là 33,9% so với cùng kỳ, đạt 3.716 tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp FDI đã làm khởi sắc hơn bức tranh công nghiệp Quảng Ninh. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những cái tên như Công ty Dệt may Texhong Ngân Long (TP Móng Cái), Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương (TP Cẩm Phả), Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (TP Hạ Long)… Đây là kết quả từ những nỗ lực của tỉnh trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư… tới cố gắng của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin, quy hoạch cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu dự án.
Song song với đó, ngay từ những ngày đầu năm, các cấp, các ngành, địa phương đã vào cuộc một cách tích cực, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh không chỉ tập trung giải phóng mặt bằng, mà còn thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp về vốn, tiêu thụ sản phẩm, thông tin tuyên truyền và cải cách thủ tục hành chính… Điển hình như kiến nghị của Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị miền Đông (TP Cẩm Phả) về việc lập quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp (CCN), tiểu thủ công nghiệp để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… Địa điểm tổ chức sản xuất không gây ô nhiễm môi trường dân cư xung quanh cũng đã được TP Cẩm Phả quan tâm giải quyết. Hiện nay thành phố đang từng bước thực hiện quy hoạch CCN, thu hút đầu tư trên cơ sở 4 CCN là CCN khu vực phía bắc Quang Hanh, CCN Cẩm Phú – Cẩm Thịnh, CCN Mông Dương, CCN Dương Huy đã được phê duyệt theo quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050.
Bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp đã chủ động tìm hướng đi phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, duy trì việc làm cho người lao động thông qua việc đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí, tìm kiếm thị trường, mở rộng thị phần. Đơn cử như Công ty CP Xi măng Cẩm Phả (TP Cẩm Phả) đã chủ động phát huy lợi thế về dây chuyền công nghệ hiện đại, đầu tư thêm hệ thống sản xuất xi măng rời tăng từ 1 loại lên 4 loại sản phẩm là clinke, xi măng PC50, xi măng xỉ, xi măng bền sunfat… đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với các giải pháp quyết liệt, 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã tiêu thụ trêm 854.000 tấn, ước cả năm là 1,7 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2014. Đối với xi măng, sản lượng sản xuất đã vượt công suất thiết kế 5% nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng đạt 406.000 tấn trong 6 tháng đầu năm, ước đạt 750.000 tấn cả năm, tăng 6% so với năm 2014. Đặc biệt trong tình hình tiêu thụ xi măng cả nước nói chung có nhiều khó khăn thì sản phẩm của Công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, lượng tiêu thụ đã tăng trên 20% so với cùng 2014.
Hay ở Công ty CP Than Cọc Sáu, trên cơ sở kế hoạch sản xuất đã đề ra, đơn vị đã chủ động cân đối, điều chỉnh phương án tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết và thiết bị để nâng cao năng suất. Cùng với đó, điều hành hợp lý giữa khâu sản xuất, công nghệ và tiêu thụ, nhất là duy trì kiểm soát chặt chẽ công tác tiêu thụ than và khai thác hiệu quả hệ thống sàng tuyển đảm bảo tỷ lệ thu hồi than. Do đó, trong những tháng đầu năm, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều hoàn thành tốt, đạt trên 50% kế hoạch, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Với sự đồng hành của tỉnh cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, chắc chắn rằng sản xuất công nghiệp không chỉ phục hồi mà còn có sự bứt phá mạnh mẽ.