Trang chủ / Tin tức / Tiếp tục đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng

Tiếp tục đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng

In bài viết Chia sẻ:

Tháng 11/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU – nghị quyết đầu tiên của cả nhiệm kỳ về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, ngành công nghiệp CBCT đã đạt được những bước phát triển đột phá, thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế của tỉnh.

KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) hiện là một trong những KCN có hạ tầng hoàn thiện nhất trên địa bàn tỉnh, thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ngay sau khi Nghị quyết số 01 được ban hành, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc để triển khai thực hiện một cách bài bản, đồng bộ. UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 01/CTr-UBND để triển khai nghị quyết; các địa phương, đơn vị đã chỉ đạo chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân có liên quan để tổ chức thực hiện; xây dựng lộ trình hoàn thành để thuận tiện cho công tác theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, giám sát. Đồng thời, đưa nội dung, nhiệm vụ được giao liên quan đến Nghị quyết vào phương hướng nhiệm vụ hằng năm, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất được xác định là chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thu hút các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực công nghiệp CBCT, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Xác định lợi thế sẵn có về diện tích các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) với gần 389.000ha của 13 KCN, 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển, tỉnh xác định việc hoàn thiện hạ tầng các KCN, KKT trên địa bàn sẽ là một trong những yếu tố quyết định để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp CBCT. Với những giải pháp cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư công, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã huy động được những nguồn lực rất lớn để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối phục vụ cho các KCN, KKT cũng như các trung tâm kinh tế lớn trên địa bàn. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến khánh thành và đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hồi đầu tháng 9/2022. Đây là tuyến cao tốc kết nối trực tiếp đến tất cả các KKT ven biển trên địa bàn và kết nối đồng bộ với tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Cùng với đó là loạt các công trình hạ tầng trọng điểm như cầu Cửa Lục 3, Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338, Đường nối từ cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đến cảng Vạn Ninh và Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh… cũng đang được khẩn trương hoàn thiện.

Song song với hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật của các KCN cũng đã và đang được đầu tư hoàn thiện. Nhất là đối với 5 dự án hạ tầng KCN tại KKT ven biển Quảng Yên với tổng diện tích trên 4.600ha. Trong đó, hàng trăm ha đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đón các dự án đầu tư.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên).

Cùng với việc đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng tiếp tục tạo được những đột phá mới. Công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được triển khai một cách thực chất, hiệu quả hơn. Điều đó được thể hiện rõ nét qua việc tỉnh đã 5 năm liên tục dẫn đầu PCI; 3 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng SIPAS; 4 năm giữ quán quân Par Index và năm 2021 đứng thứ 2 toàn quốc… Nhờ cải cách thực chất, tỉnh đã liên tiếp lập những kỷ lục trong công tác thu hút đầu tư, đặc biệt vào ngành công nghiệp CBCT. Điển hình như dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi nhận đủ hồ sơ. Và chỉ sau 4 tháng triển khai xây dựng, dự án đã đi vào vận hành sản xuất, vượt trước 7 tháng so với tiến độ đặt ra ban đầu…

Xác định nguồn nhân lực cũng sẽ là khâu tạo đột phá cho việc phát triển công nghiệp CBCT, tỉnh cũng hết sức tập trung cho việc phát triển nguồn nhân lực với hàng loạt chính sách đặc thù. Đến nay, lực lượng lao động của tỉnh là khoảng 700.000 người, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,5%, đứng thứ 3 cả nước. Với các cơ sở đào tạo hiện có, hàng năm tỉnh sẽ bổ sung hàng nghìn lao động được đào tạo bài bản cho thị trường lao động địa phương. Với mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp CBCT, phát triển các KCN theo hướng KCN, khu đô thị – dịch vụ bền vững, tỉnh đã ưu tiên dành quỹ đất ở những vị trí đẹp nhất, đắc địa nhất cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Vừa qua, Dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai và Dự án nhà ở xã hội khu dân cư đồi Ngân hàng đã được khởi công xây dựng. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho trên 1 vạn lao động với các thiết chế văn hóa – xã hội đồng bộ, hiện đại.

Với các giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt trên cơ sở những định hướng của Nghị quyết 01, lĩnh vực công nghiệp CBCT của tỉnh đã có sự tăng trưởng đột phá. Trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, tỉnh đã thu hút 14 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 5 dự án công nghiệp CBCT với tổng vốn đầu tư đạt gần 33.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt 1,1 tỷ USD. Năng lực sản xuất của lĩnh vực này được bổ sung với nhiều sản phẩm mới giá trị gia tăng cao như: Tivi, loa, vải dệt thoi từ sợi tổng hợp, thân mũ… Tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong cơ cấu GRDP của tỉnh năm 2021 đạt 11,9% (tăng 2,1% so với năm 2020); năm 2022 ước đạt 11,5%, đóng góp 1,28 điểm % trong tăng trưởng GRDP, dần tiến tới mục tiêu đã đề ra là đến năm 2025, công nghiệp CBCT sẽ chiếm 15% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Tác Giả: Minh Hà

Nguồn Tin: TTXTVPTCT