Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2009 với mục tiêu đến năm năm 2020 có 90% cơ sở sản xuất nhận thức được lợi ích của sản xuất sạch hơn (SXSH), 50% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, đạt 8-13% về tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu đối với các cơ sở áp dụng, 90% Sở Công Thương có cán bộ đủ năng lực hướng dẫn SXSH.
Văn bản Chiến lược cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như truyền thông, cơ chế chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, đầu tư và tài chính nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược, đặc biệt là để thực hiện năm đề án thành phần được phê duyệt về nguyên tắc cùng với Chiến lược như: Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp; Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về SXSH trong công nghiệp; Hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; Hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp; Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tài chính thúc đẩy áp dụng SXSH trong công nghiệp.
- Thông báo mời đăng ký tham gia Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn – Quảng Ninh 2020
- Hiệu quả của mô hình trình diễn kĩ thuật sản xuất gỗ ván ghép thanh
- Bộ Công Thương chú trọng tuyên truyền sản xuất sạch hơn
- Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2010 của trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh
Ngay sau khi Chiến lược phê duyệt, với sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đã thành lập Ban điều hành và văn phòng giúp việc Ban điều hành thực hiện Chiến lược.
Trên quan điểm tận dụng tối đa các nguồn viện trợ, từ năm 2010, Bộ Công Thương đã huy động vốn thuộc Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược, đặc biệt trong năm 2011, mặc dù vốn của Hợp phần đã hết, Bộ Công Thương đã huy động thêm được 3,5 triệu DKK Đan Mạch (khoảng 10 tỷ đồng) từ nguồn vốn chưa phân bổ của Chương trình Hợp tác phát triển Việt nam Đan Mạch về môi trường để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược.
Định hướng về huy động kinh phí cho giai đoạn 2012 đến 2015 là chủ yếu sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của ngân sách để thực hiện 05 đề án thành phần.
Tình hình thực hiện các đề án thành phần
Trong kế hoạch năm 2010, từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường, Bộ Công Thương đã xây dựng được tài liệu tập huấn chuẩn cho các 05 đối tượng là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, chuyên viên cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo/chủ doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật các doanh nghiệp và chuyên gia tư vấn SXSH. Với mỗi đối tượng tài liệu đào tạo được xây dựng thành bộ gồm 03 phần: tài liệu cho học viên, tài liệu cho giảng viên và tài liệu tham khảo. Tập tài liệu hiện đang được sử dụng cho các hội thảo và tập huấn năm 2011 tại trung ương và các tỉnh, thành. Thông qua đó tập tài liệu sẽ được hoàn chỉnh để xuất bản vào cuối năm 2011.
Từ năm 2010, Bộ Công Thương đã tổ chức phổ biến SXSH tại các tỉnh, thành nhằm phổ biến SXSH đến các cơ quan quản lý và doanh nghiệp thông qua Sở Công Thương/Trung tâm khuyến công và một số Hiệp hội công nghiệp. Năm 2011 dự kiến tổ chức 10 cuộc hội thảo và 74 cuộc tập huấn với khoảng 4000 người tham dự. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn xây dựng năng lực chuyên gia tư vấn và giảng viên về SXSH. Bằng nguồn vốn tài trợ của CPI, Bộ Công Thương đã tổ chức được 03 khóa tư vấn SXSH trong công nghiệp với tổng số 85 học viên. Đối tượng học viên của các khóa tư vấn là cán bộ tư vấn có ít nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường không phân biệt nhà nước và tư nhân. Các học viên được tuyển chọn kỹ lưỡng trước mỗi khóa học thông qua hệ thống chấm điểm theo tiêu chí được Bộ Công Thương phê duyệt. Mỗi khóa được tổ chức thành 04 đợt học trên lớp, mỗi đợt 01 tuần và 04 đợt thực hành tại doanh nghiệp. Kết thúc mỗi khóa, các học viên sẽ ứng dụng kiến thức được học trong vòng 01 năm, sau đó, làm báo cáo về tình hình hoạt động của mình. Học viên nào được đánh giá cao sẽ được cấp chứng chỉ “Tư vấn Sản xuất sạch hơn” do Bộ Công Thương cấp.
Hỗ trợ kỹ thuật áp dụng SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp
Để hỗ trợ các cơ sở áp dụng SXSH, được các công ty tư vấn hỗ trợ, Bộ Công Thương đã xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cho một số ngành dệt, giấy, tinh bột sắn, bia, mạ điện, đúc, xi măng, tấm lợp, sơn, dừa, NPK…; một số ngành khác đang có hướng dẫn được hoàn thiện như chế biến thủy sản, mây tre lá, nhựa tái chế, đường.
Ngoài việc xây dựng hướng dẫn, CPI cũng đã phối với các tỉnh, các tổ chức tư vấn tiến hành tư vấn kỹ thuật dưới dạng đánh giá nhanh cho các cơ sở sản xuất, ngoài gần 60 cơ sở sản xuất được đánh giá chi tiết và 2/3 trong đó được nhận hỗ trợ đầu tư, CPI đã tổ chức đánh giá nhanh cho 72 doanh nghiệp năm 2010, dự kiến trong năm 2011 sẽ hỗ trợ 200 doanh nghệp làm công tác này. Các doanh nghiệp được CPI hỗ trợ đầu tư giải pháp SXSH còn được xây dựng tờ rơi về điển hình doanh nghiệp thực hiện SXSH để phát trong các hội thảo và tập huấn.
Ngoài ra, để hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp, năm 2010, Bộ Công Thương đã thành lập Trung tâm Môi trường và Sản xuất sạch đặt tại Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp của Bộ. Ngay sau khi thành lập, Trung tâm đã được hỗ trợ về năng lực và giao một loạt các công việc để đánh giá hiệu quả các dự án trình diễn, xây dựng hướng dẫn SXSH chuyên ngành,… Tại cấp tỉnh và các thành phố trực thuộc TW, đến nay đã có 20 tỉnh thành xây dựng đề án thành lập đơn vị về SXSH và kế hoạch hành động về SXSH cấp tỉnh. Dự kiến năm 2011 sẽ có thêm 12 tỉnh, thành, thực hiện công tác này.
Kết quả thực hiện Chiến lược đến năm 2010
Để đánh giá hiện trạng thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược Sản xuất sạch hơn, trong 2 năm từ 2009 đến 2010, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra khảo sát với 63 Sở Công Thương và gần 10.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên 63 tỉnh thành. Tại thời điểm khảo sát đã có 2.509 doanh nghiệp (28% số doanh nghiệp được khảo sát) có nhận thức về SXSH với các mức độ khác nhau, từ việc nghe nói đến SXSH và nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích song hành kinh tế và môi trường của SXSH đến việc thực hiện áp dụng SXSH.
Các tỉnh có trên 50% doanh nghiệp được khảo sát có nhận thức về SXSH là Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Bình, An Giang, Bến Tre, Nghệ An, Lào Cai, Phú Thọ và Cần Thơ. Có 8 ngành sản xuất có trên 100 doanh nghiệp nhận thức về SXSH là dệt may, rau quả nông sản, mỏ và khai khoáng, xi măng-gạch-gốm, thủy sản, thực phẩm khác, gỗ-tre-nứa và nhựa-cao su.
Cũng qua khảo sát về kết quả áp dụng SXSH ở các cơ sở sản xuất thì đã có 1031 doanh nghiệp (11% số doanh nghiệp được khảo sát) áp dụng SXSH, trong đó 309 doanh nghiệp (tương ứng 3%) doanh nghiệp khảo sát đạt được mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu giảm 5-8% (mục tiêu chiến lược giai đoạn 1). SXSH được áp dụng rộng rãi và thu được kết quả giảm trên 5% tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu trên một đơn vị sản phẩm tại hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp. Dệt may và xi măng-gạch-gốm có số lượng doanh nghiệp thực hiện SXSH lớn nhất (84 doanh nghiệp mỗi ngành), trong đó số lượng đạt mức tiêu thụ giảm nguyên nhiên liệu trên 5% tại hai ngành này là 16 và 36 doanh nghiệp.
Định hướng thực hiện Chiến lược Sản xuất sạch hơn giai đoạn 2011-2015
Trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, việc triển khai thực hiện chiến lược sẽ tập trung và các hướng sau:
Các đề án khung được phê duyệt sẽ được tập trung thực hiện nhằm đạt mục tiêu đề ra của Chiến lược đến năm 2015 về tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết về SXSH, thực hiện SXSH và kết quả thực hiện, tỷ lệ các Sở Công Thương có cán bộ có trình độ hướng dẫn SXSH cho các cơ sở công nghiệp. Các nội dung thực hiện sẽ tập trung chủ đạo vào: truyên truyền trực tiếp và gián tiếp, tập huấn, phổ biến thông tin, tư vấn đánh giá SXSH, phát triển mạng lưới tư vấn, phát triển hệ thống báo cáo và cấp chứng chỉ cũng như xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng SXSH. Các hoạt động sẽ được tổ chức thực hiện rộng rãi trên toàn quốc thông qua các tỉnh thành, các hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty công nghiệp.
Việc theo dõi giám sát thực hiện Chiến lược sẽ được thực hiện thông qua tổng điều tra tình hình thực hiện trên toàn quốc (như 2010). Tổng điều tra sẽ được tiến hành thêm 02 lần nữa trước năm 2015 (2012 và 2014). Những năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tổ cập nhật dựa trên báo cáo của các Sở Công Thương, các Hiệp hội và các tập đoàn, Tổng Công ty.
Đến năm 2015, Ban điều hành sẽ tiến hành đánh giá việc thực hiện Chiến lược giai đoạn 2009- 2015, đồng thời đưa ra các kiến nghị đối với việc điều chỉnh và thực hiện chiến lược cho giai đoạn 2016-2020.