Trang chủ / Tin tức / Thực hiện các đề án Khuyến công và những kinh nghiệm rút ra từ thực tế

Thực hiện các đề án Khuyến công và những kinh nghiệm rút ra từ thực tế

In bài viết Chia sẻ:

Quảng Ninh có 13 huyện, thị xã, thành phố, điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau nên khi khảo sát tham mưu xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm, Trung tâm luôn căn cứ vào tiềm năng thế mạnh từng địa phương để lựa chọn đề án hỗ trợ, cụ thể:

– Đối với huyện, thị xã, thành phố khu vực miền tây: công nghiệp đã có sự phát triển, sẽ ưu tiên lựa chọn các đề án quy mô lớn, sử dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào sản xuất thuộc các ngành cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ, chế biến rau quả xuất khẩu.
– Đối với các huyện miền núi: Ưu tiên lựa chọn các đề án chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; các đề án ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất tại các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Thực hiện các đề án Khuyến công và những kinh nghiệm rút ra từ thực tế
Những khó khăn đang gặp phải:
– Quảng Ninh là tỉnh trải dài, với trên 60% là các huyện miền núi, hải đảo, cơ sở công nghiệp nông thôn trên số dân còn ít, chủ yếu tập trung tại thành phố lớn như Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và các huyện có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển. Các huyện miền núi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn là địa bàn ưu tiên của hoạt động khuyên công song các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp nông thôn tại đây còn hạn chế.
– Chưa có nhiều đề án khuyến công điểm thực hiện trong nhiều năm liên tục và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
– Hệ thống tổ chức triển khai thực hiện hoạt động khuyến công chưa đầy đủ, mới có Trung tâm Khuyến công cấp tỉnh, chưa có chi nhánh tại các huyện, thành phố và mạng lưới cộng tác viên tại các xã.
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác trong thời gian qua là gì và làm thế nào triển khai hoàn thành kế hoạch trong những năm tiếp theo.
Từ công tác trong thời gian qua, để hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả trong thời gian tới, có một số kinh nghiệm rút ra là:
– Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công tạo sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền, của các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề nhằm huy động thêm nguồn lực cho hoạt động khuyến công.
– Hai là, công tác xây dựng kế hoạch công giai đoạn, hàng năm phải phù hợp với các quy hoạch, chương trình, đề án, cơ chế chính sách phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của trung ương và của tỉnh; đề án khuyến công được lựa chọn phải là hạt nhân, có tính lan tỏa; nội dung hỗ trợ phải sát với nhu cầu thực tiễn của các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề trên địa bàn.
– Ba là, công tác triển khai tổ chức thực hiện các đề án khuyến công cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành đặc biệt là chính quyền địa phương nơi có đề án; cơ quản lý, đơn vị dịch vụ khuyến công phải luôn đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề.

 

Năm 2022, kế hoạch khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt thực hiện 13 đề án, trong đó 10 đề án khuyến công tỉnh và 3 đề án nhóm khuyến công quốc gia. Để hoàn thành kế hoạch được giao, ngay từ đầu năm Trung tâm đã đề ra một số giải pháp chủ yếu là:
– Một là, Tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch để thông tin, hướng dẫn, giải đáp cho các đơn vị thụ hưởng và thống nhất biện pháp phối hợp trong quá trình thực hiện với các cơ quan, tổ chức có liên quan.
– Hai là, Phân công nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện từng đề án cho cán bộ và chuyên viên của Trung tâm.
– Ba là, Thường xuyên bám sát cơ sở công nghiệp nông thôn , nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
– Bốn là, Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và cá nhân có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện; tiến hành nghiệm thu kết quả, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ các đề án khuyến công sau khi đã thực hiện xong./.

Tác Giả: Vũ Bình Minh

Nguồn Tin: TTXTVPTCT