Trang chủ / Giao thương / Thanh Hoá: Phát triển công nghiệp hỗ trợ thân thiện môi trường

Thanh Hoá: Phát triển công nghiệp hỗ trợ thân thiện môi trường

In bài viết Chia sẻ:
Chuyên mục: Giao thương
Thanh Hóa có định hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường.
Hậu Giang: Ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợNinh Bình: Phát triển công nghiệp hỗ trợ là trụ cột

Công nghiệp hỗ trợ nhiều dư địa để khai thác

Theo TS Dương Đình Giám – Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, định hướng phát triển chung cho Thanh Hóa thời gian tới cần phát triển công nghiệp trong một số lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế so sánh và tiềm năng phát triển, nhằm khai thác tối đa lợi thế của tỉnh trong mạng lưới sản xuất vùng Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Thanh Hoá: Phát triển công nghiệp hỗ trợ thân thiện môi trường
Thanh Hóa có định hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Ảnh: TH

Với mục tiêu trên, Thanh Hóa đã tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ. Đồng thời hướng tới xuất khẩu, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, theo hướng: Trước mắt, đáp ứng nhu cầu của tỉnh Thanh Hóa (phục vụ các ngành lọc, hóa dầu, cơ khí, dệt may, da giày, chế biến nông lâm sản…).

Thanh Hóa cũng sẽ hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, trong đó có một số doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Theo định hướng đến năm 2030, Thanh Hoá sẽ phát triển mạnh các ngành: Lọc, hóa dầu (với trọng tâm là hóa dầu); Cơ khí chế tạo; Luyện kim; Năng lượng; Chế biến và một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử…) và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ liên quan phục vụ các ngành này.

Với ngành cơ khí, Thanh Hóa sẽ tập trung chế tạo cung cấp các ản phẩm công nghiệp phụ trợ như: Linh kiện, cụm linh kiện phục vụ cho các ngành kinh tế của tỉnh, của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Đồng bằng sông Hồng. Trước mắt, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, tập trung phục vụ cho Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Tổ hợp các dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2 và Dự án Điện mặt trời (Tĩnh Gia), Công ty CP Mía đường Lam Sơn… và một số doanh nghiệp lớn khác đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích, tạo điều kiện đổi mới công nghệ cho hệ thống máy cái của ngành cơ khí chế tạo máy, đồng thời đổi mới công nghệ sản xuất các thiết bị đơn lẻ nhằm tiến tới đổi mới công nghệ sản xuất cụm thiết bị, dây chuyền sản xuất phục vụ ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, lâm sản.

Về dài hạn, Thanh Hóa sẽ sử dụng thép chế tạo từ khu liên hợp gang thép Nghi Sơn để sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các cơ sở công nghiệp trên địa bàn và hướng đến phục vụ cho các nhà máy tại Tổ hợp các dự án nhiệt điện Nghi Sơn và dự án năng lượng mặt trời.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Ngành dệt may – da giày ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực nguyên liệu (sợi, vải, vải giả da), vật liệu và phụ liệu (như chỉ may, nút, nhãn mác, băng chun, đế giày…) phục vụ ngành dệt may – da giày, đảm bảo chủ động trong sản xuất nội địa và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may – da giày dựa trên cơ sở phân loại, chọn lọc dự án (chú trọng liên kết, phân công sản xuất giữa các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Nam Đồng bằng sông Hồng), đảm bảo quy hoạch bố trí không gian lãnh thổ hợp lý để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển công nghiệp bền vững và hiệu quả.

Công nghiệp phục vụ nông nghiệp phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo có chất lượng cao; liên kết với các vùng nông nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo hướng hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao và khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Thanh Hóa cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi trên cơ sở tận dụng các thế mạnh về hạ tầng công nghiệp (Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu, cụm công nghiệp) và phục vụ trực tiếp cho các ngành công nghiệp chính của tỉnh.

Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp: Trọng tâm là các doanh nghiệp quy mô lớn, đầu tàu về sản xuất thành phẩm. Các doanh nghiệp này vừa đóng vai trò cầu nối thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, vừa tạo thêm động lực để công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Tác Giả: Duy Anh

Nguồn Tin: Báo Công Thương