Trang chủ / Tin tức / Tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động Khuyến công

Tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động Khuyến công

In bài viết Chia sẻ:

Hoạt động Khuyến công của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã đạt được những kết quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), giúp duy trì việc làm cho người lao động. Có thể nói, hoạt động khuyến công đã từng bước tạo được những chuyển biến nhất định trong phát triển CNNT của tỉnh.

Hỗ trợ thiết bị máy móc sản xuất chế biến Sứa tại huyện Cô Tô

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến công cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2014, nền kinh tế nước ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi đó, đối tượng thụ hưởng của chính sách Khuyến công hầu hết đều có quy mô nhỏ. Việc phối hợp xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án Khuyến công Quốc gia và địa phương sẽ gặp khó khăn, vì phần kinh phí khuyến công hỗ trợ thường chiếm tỷ trọng thấp trong tổng mức đầu tư của dự án. Do đó chưa có tác dụng kích thích các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư các dự án phát triển sản xuất với quy mô lớn trong bối cảnh hiện nay.

Trước những khó khăn và thách thức trên, trong năm 2014, Trung tâm Khuyến công & Tư vấn PTCN Quảng Ninh đã phối hợp với các huyện, thị, xây dựng 16 đề án Khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.530 triệu đồng, trong đó gồm 3 đề án Khuyến công Quốc gia, và 13 đề án Khuyến công địa phương.

Các đề án đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy hiệu quả xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.

Theo đó, các hoạt động khuyến công sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể như: Tiếp tục chú trọng tư vấn cho các cơ sở CNNT lựa chọn hướng đầu tư phù hợp, để các cơ sở CNNT tích cực chủ động tham gia; Phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế/Kinh tế – Hạ tầng các huyện, thành phố khảo sát thực hiện các đề án ứng dụng máy móc thiết bị, mô hình trình diễn…mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất; Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề CNNT trên cơ sở đào tạo nghề, đặt biệt ưu tiên cho đào tạo nghề phục vụ công nghiệp hỗ trợ của tỉnh; Tăng cường dịch vụ tư vấn, có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích giúp đỡ kịp thời cho các cơ sở CNNT trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất; Lựa chọn và tổ chức thực hiện chương trình, đề án Khuyến công sát với thực tế và hiệu quả.

Bên cạnh đó, cũng tăng cường hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm trên website của Trung tâm, Bản tin Công Thương; Tổ chức mô hình trình diễn kỹ thuật, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT tham gia, tìm hiểu công nghệ kỹ thuật mới, máy móc hiện đại,… từ đó trao đổi, phổ biến, nghiên cứu áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh của các cơ sở CNNT.

Trong thời gian tới, thực hiện Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2014 của UBND tỉnh, về việc phân khai kinh phí Khuyến công, dự toán ngân sách tỉnh năm 2014, Trung tâm Khuyến công & Tư vấn PTCN phối hợp cùng các cơ sở CNNT tích cực triển khai các đề án đúng tiến độ, đảm bảo hỗ trợ cho các doanh nghiệp một cách thuận lợi, phát huy hiệu quả kinh tế và xã hội của các đề án khuyến công.

Tác Giả: Lê Sỹ Trình

Nguồn Tin: TTXTVPTCT